M.K. Bhadrakumar, nhà cựu ngoại giao Ấn Độ khẳng định trên Eurasiareview rằng BRICS có khả năng chiếm lợi thế trên sân chơi toàn cầu so với G7 trong thời gian tới.
Theo chuyên gia này, với việc phương Tây thất bại trong những nỗ lực đối trọng Nga, G7 đang đi chệch hướng và mất phương hướng. Italia, nước chủ nhà luân phiên của hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay, đã coi AI trở thành vấn đề then chốt trong hội nghị thượng đỉnh.
Tương tự, G7 đang mong muốn vượt ra khỏi "câu lạc bộ ưu tú" khép kín của các nền dân chủ phương Tây bằng cách thí điểm một nỗ lực tiếp cận đầy tham vọng và đưa ra một danh sách dài bất thường gồm các nhà lãnh đạo được mời tới hội nghị thượng đỉnh. Ngoài Ukraine, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni đã mời các nhà lãnh đạo Ấn Độ, Brazil, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi, Argentina, Algeria, Kenya và Mauritania tham dự cuộc họp.
Đây là chính sách thực dụng và G7 đang hy vọng thu hẹp khoảng cách giữa “phương Tây và phần còn lại” trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.
Tóm lại, như một phần trong các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga vào năm 2022, Liên minh Châu Âu, Canada, Mỹ và Nhật Bản đã đóng băng tài sản của Moscow với số tiền lên tới 300 tỷ USD. Chỉ có khoảng 5-6 tỷ USD nằm ở Mỹ, trong khi 210 tỷ USD được cất giữ ở châu Âu, nhưng quyết định sử dụng số tiền thu được từ tài sản của Nga đã được Washington khởi xướng với một động thái gây tranh cãi.
Không đáng ngạc nhiên khi các thành viên châu Âu và Nhật Bản phản đối áp lực của Mỹ trong việc đưa điều khoản về việc sử dụng thu nhập từ tài sản bị phong tỏa của Nga vào tuyên bố chung G7 sắp được thông qua. CNN hồi đầu tuần khẳng định rằng các quan chức Mỹ đang cố gắng thống nhất về “các chi tiết tài chính nhạy cảm nhất” trong kế hoạch đối với tài sản của Nga, vì G7 vẫn đang tiếp tục bàn thảo.
Mỹ sẽ được lợi nếu sự đóng băng hiện tại trong quan hệ Nga-châu Âu đạt đến điểm không thể quay lại, vì châu Âu chắc chắn sẽ phải gánh chịu sự trả đũa của Moscow. Nếu G7 thực hiện động thái như vậy sẽ làm suy yếu hệ thống tài chính toàn cầu cũng như uy tín của nhóm.
Các nhà lãnh đạo G7 giải thích như thế nào với các quốc gia "mở rộng" chủ yếu đến từ BRICS, rằng Nga là một ngoại lệ và một ngày nào đó hành động tương tự sẽ không được sử dụng để chống lại Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi hoặc một số quốc gia khác?
Chắc chắn, kết quả cuộc họp thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 tại Kazan (16-18/10) dưới sự chủ trì của Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ khiến G7 phải lưu ý. Moscow từng khẳng định, với việc mở rộng BRICS, giai đoạn mới sắp tới sẽ đảm bảo rằng những bên tham gia theo dạng mở rộng sẽ tạo ra một hệ sinh thái trong đó các nước thành viên cùng tập trung đóng góp vào phát triển cấu trúc chung.
Một chủ đề quan trọng tại cuộc họp thượng đỉnh BRICS ở Kazan sẽ là việc thiết lập một loại tiền tệ duy nhất trong nhóm, điều này sẽ đơn giản hóa và mở rộng đáng kể mối quan hệ kinh tế của các nước thành viên trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng từ phương Tây.
Phát biểu tại hội nghị SPIEF ở St. Petersburg tuần trước, ông Putin tuyên bố rằng một hệ thống thanh toán độc lập sẽ được thiết lập. Ngoại trưởng Sergey Lavrov sau đó xác nhận rằng một nền tảng thanh toán bằng tiền tệ quốc gia đang được phát triển.
Các nước BRICS đã nhận ra rằng việc tạo ra một loại tiền tệ duy nhất ngày nay đã trở nên cần thiết do các lệnh trừng phạt hiện nay từ Mỹ và Liên minh Châu Âu.
Ông Lavrov nhấn mạnh, BRICS ngụ ý một kiểu quan hệ đối tác hoàn toàn trái ngược với phương Tây- tức là bất cứ điều gì ngoại trừ cấu trúc khối, và ngược lại, là một định dạng cơ bản mở, chỉ tham gia vào những lĩnh vực mà tất cả các bên tham gia đều quan tâm dù lớn hay nhỏ. Các báo cáo cho thấy khoảng 30 quốc gia đã ngỏ ý muốn tham gia BRICS.