G7 đối phó việc Trung Quốc dùng kinh tế làm "đòn ngoại giao"

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc họp trực tuyến của G7 đã diễn ra với mục tiêu đảm bảo thương mại tự do và công bằng cũng như an ninh kinh tế, lần đầu tiên vấn đề này được đưa vào chương trình nghị sự.

Các bộ trưởng thương mại của Nhóm Bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) hôm 4/4 đã nhất trí về các biện pháp đối phó với những "ép buộc" kinh tế như hạn chế xuất nhập khẩu và tăng thuế quan, đồng thời để mắt đến vai trò của Trung Quốc trong thương mại toàn cầu.

Yasutoshi Nishimura, Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản, tham gia cuộc họp trực tuyến của Nhóm G7 ngày 4/4. Ảnh: Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản. 
Yasutoshi Nishimura, Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản, tham gia cuộc họp trực tuyến của Nhóm G7 ngày 4/4. Ảnh: Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản. 

Cuộc họp trực tuyến của G7 đã diễn ra với mục tiêu đảm bảo thương mại tự do và công bằng cũng như an ninh kinh tế, lần đầu tiên vấn đề này được đưa vào chương trình nghị sự.

Trao đổi với báo giới sau cuộc họp, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết, ông muốn củng cố hợp tác G7 trong bối cảnh Nhật Bản giữ vị trí chủ tịch nhóm năm nay.

Nikkei dẫn tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp - dù không nêu tên quốc gia, nhưng đề cập đến kỳ vọng chống lại các hạn chế xuất nhập khẩu và tăng thuế quan, các biện pháp mà Trung Quốc đã thực hiện. Tuyên bố định nghĩa cưỡng chế kinh tế là động thái "can thiệp vào các lựa chọn hợp pháp của một chính phủ khác" và mở ra cơ hội cho các nước G7 phát triển các biện pháp mới để cùng nhau ứng phó.

Theo Nikkei, Trung Quốc đang ngày càng sử dụng sức mạnh kinh tế của mình như một lá bài ngoại giao. Bắc Kinh đã hạn chế nhập khẩu than, rượu, lúa mạch và nhiều thứ khác từ Australia sau khi quốc gia đó kêu gọi điều tra về nguồn gốc của đại dịch Covid-19.

Litva, quốc gia đã tăng cường quan hệ với Đài Loan, cũng bị ảnh hưởng bởi các hạn chế xuất nhập khẩu. Năm 2010, Trung Quốc cắt xuất khẩu khoáng sản đất hiếm quan trọng sang Nhật Bản trong bối cảnh căng thẳng liên quan tới quần đảo Senkaku.

Tuyên bố của G7 cũng khẳng định rằng tính minh bạch, đa dạng hóa, an ninh, bền vững, uy tín và đáng tin cậy là những nguyên tắc thiết yếu để xây dựng và củng cố chuỗi cung ứng ổn định.

Tuyên bố thừa nhận tầm quan trọng của việc hợp tác với các đối tác ngoài nhóm có cùng chí hướng, đặc biệt là các nước mới nổi, nhằm giảm thiểu sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Tinh thần này đã được đề cập tới trong một tuyên bố hồi tháng 5/2022 khi các nhà lãnh đạo G7 gặp gỡ ở Hiroshima.

Các bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng nhân quyền trong các hoạt động kinh doanh và hướng đến hợp tác sâu rộng hơn trong việc đảm bảo các khoáng sản quan trọng.

Nga, với vị thế là một nhà sản xuất khoáng sản lớn như niken và palađi, đã gây ảnh hưởng đến nguồn cung của thế giới sau việc triển khai quân vào Ukraine.

Các bộ trưởng cũng nhất trí về sự cần thiết phải cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) do hệ thống giải quyết tranh chấp của tổ chức hiện ngừng hoạt động. Cuộc họp các bộ trưởng thương mại G7 thường được tổ chức hai lần một năm, với cuộc họp trực tiếp năm nay dự kiến diễn ra tại Osaka vào tháng 10.