Ngày 3/2, đại diện của Thụy Điển - nước Chủ tịch luân phiên của EU hiện nay, cho biết các nước thành viên EU đã thống nhất với đề xuất của Uỷ ban châu Âu về việc áp giá trần đối với các sản phẩm dầu của Nga.
Mức giá trần được các đại sứ của 27 quốc gia EU thống nhất là 100 USD/thùng đối với các sản phẩm dầu cao cấp như dầu diesel và mức 45 USD/thùng đối với các sản phẩm giá rẻ như dầu nhiên liệu. Đề xuất nói trên được áp dụng kể từ ngày 5/2.
Thụy Điển khẳng định đây là một thỏa thuận quan trọng và là một phần trong các nỗ lực tiếp theo của EU và các đối tác nhằm gây sức ép lên cuộc chiến của Nga tại Ukraine.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm 3/2 nói rằng việc EU, G7 và Australia thống nhất mức giá trần với dầu mỏ Nga sẽ hạn chế nguồn thu từ năng lượng của Moscow trong khi vẫn đảm bảo ổn định nguồn cung cho thị trường năng lượng toàn cầu.
Bà Yellen lưu ý thêm rằng các lệnh cấm vận và biện pháp áp trần giá dầu đang buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin phải "lựa chọn giữa việc cung cấp tài chính cho chiến dịch quân sự tại Ukraine hoặc hỗ trợ nền kinh tế”.
Cũng trong ngày 3/2, phát biểu sau cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhân hội nghị thượng đỉnh EU-Ukraine tại Kiev, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, gói trừng phạt tiếp theo của EU đối với Moscow sẽ nhằm vào hoạt động chế tạo các bộ phận của các loại máy bay không người lái (UAV) mà Nga sử dụng để tấn công Ukraine.
Theo người đứng đầu EC, các biện pháp trừng phạt sắp tới của EU nên hướng đến việc ngăn chặn Moscow đổi mới công nghệ nhằm tăng cường tiềm lực quân sự.
Trong tuyên bố trước thềm thượng đỉnh EU-Ukraine, Chủ tịch EC cho biết EU dự kiến sẽ thông báo gói trừng phạt thứ 10 đối với Nga vào thời điểm tròn 1 năm Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Trước đó, hồi tháng 12 vừa qua, EU và G7 cũng đã áp mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô xuất khẩu của Nga vận chuyển bằng đường biển. Trong một tuyên bố mới nhất, G7 và Australia cho biết sẽ đánh giá lại về việc áp giá trần đối với dầu thô của Nga vào tháng 3 tới.
Thông qua biện pháp áp các mức trần giá năng lượng này, các nước phương Tây muốn siết chặt nguồn thu tài chính của Nga để buộc nước này phải chấm dứt cuộc chiến kéo dài gần 1 năm qua tại quốc gia láng giềng Ukraine.