70 năm giải phóng Thủ đô

G7 xác định ranh giới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ những gì mà Bộ trưởng Ngoại giao của các nước thành viên nhóm G7 trao đổi và nhất trí tại cuộc gặp vừa rồi của họ ở nước Đức có thể thấy được diễn biến tiếp theo của chiến sự ở Ukraine giữa Nga và Ukraine.

Ảnh: Reuters  
Ảnh: Reuters  

Trên 3 phương diện cụ thể, nhóm G7 chẳng khác gì đã xác định những ranh giới buộc Nga phải bước qua trong khi ý thức được rằng chắc chắn không khi nào Nga sẽ chịu bước qua.

Thứ nhất là nhóm này tuyên bố sẽ trợ giúp Ukraine về quân sự và tài chính cho tới khi Ukraine giành về phần thắng trong cuộc chiến với Nga, bất kể thời gian dài bao lâu và các nước G7 tốn kém như thế nào cho việc trợ giúp ấy. Ranh giới ở đây được G7 xác định là chừng nào Nga còn tiếp tục chiến sự ở Ukraine thì chừng đó G7 còn giúp Ukraine chiến tranh với Nga. G7 xác định ranh giới như thế chẳng khác gì tuyên chiến gián tiếp với Nga. Vì thế, chiến sự ở Ukraine còn cách rất xa hồi kết.

Thứ hai, nhóm G7 tuyên bố sẽ "không bao giờ" chấp nhận sự thay đổi biên giới quốc gia do Nga gây ra ở Ukraine và châu Âu, trong đó có cả chuyện đã xảy ra rồi với bán đảo Crimea. Ở đây, nhóm này vừa ám chỉ vừa xác định ra ranh giới để răn đe và cảnh báo Nga và đồng minh của Nga ở châu Âu.

Nó liên quan đến việc Nga dường như hiện tập trung chiến sự ở vùng miền Nam Ukraine, đến việc hình thành vũng lãnh thổ ly khai mới ở khu vực phía Nam Ukraine và đến việc Nam Ossetia dự định vào ngày 17/7 tới tiến hành trưng cầu dân ý về việc Nam Ossetia gia nhập Nga - như Crimea hồi năm 2014. Thông điệp của G7 là nhóm này sẽ không để cho Nga lặp lại kịch bản Crimea ở nơi khác trên châu Âu.

Thứ ba, nhóm G7 vừa hối thúc Nga để cho Ukraine xuất khẩu lúa mì vừa lên án Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì. Ở đây, nhóm này chủ ý định hướng dư luận thế giới quy kết trách nhiệm cho Nga về tình trạng khan hiếm lương thực và nguy cơ bùng phát nạn đói ở một số nơi trên thế giới.