Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gần một nửa người Đức phản đối hỗ trợ xe tăng Leopard 2 cho Ukraine

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có đến 45% số người được hỏi phản đối việc chuyển xe tăng Leopard 2 đến Ukraine, nhiều hơn con số 33% ủng hộ.

Gần một nửa người Đức phản đối hỗ trợ xe tăng Leopard 2 cho Ukraine. Ảnh: RT
Gần một nửa người Đức phản đối hỗ trợ xe tăng Leopard 2 cho Ukraine. Ảnh: RT

Gần một nửa người Đức được hỏi không muốn xe tăng chiến đấu Leopard 2 của nước này được cung cấp cho Ukraine, theo một cuộc thăm dò dư luận gần đây của YouGov. Kiev đã đề nghị Berlin cung cấp xe tăng Leopard 2 trong vài tháng qua nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả.

Theo RT, hãng truyền thông Das Redaktionsnetzwerk Deutschland (RND) trích dẫn kết quả khảo sát của YouGov cho biết, 45% số người được hỏi phản đối việc chuyển xe tăng Leopard 2 cho quốc gia Đông Âu, 33% ủng hộ và 22% còn lại chưa quyết định.

Cuộc thăm dò do hãng Die Deutsche Presse-Agentur (DPA) cũng tiết lộ rằng, trong số những người ủng hộ đảng Xanh của Đức, 50% đồng ý và 25% hoài nghi kế hoạch.

Trong khi số liệu của liên minh cầm quyền chỉ ra rằng, 41% người ủng hộ đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Olaf Scholz không muốn cung cấp xe tăng Đức cho Ukraine và 40% không có vấn đề gì với quyết định đó. Trong đảng Dân chủ Tự do, 42% phản đối và 33% ủng hộ. Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo đối lập được khảo sát cũng có tỷ lệ tương tự.

Sự phản đối mạnh mẽ nhất đối với việc hỗ trợ xe tăng cho Kiev là cử tri đảng Thay thế nước Đức cánh hữu AfD (76% chống, 13% ủng hộ) và của Đảng cánh tả (52% chống, 32% ủng hộ).

Mặc dù Ukraine nhiều lần yêu cầu chính quyền Berlin chuyển giao xe tăng Leopard 2, Thủ tướng Scholz vẫn chưa thực hiện. Ông lý giải rằng chưa có quốc gia nào khác cung cấp vũ khí tương tự cho Kiev, do đó Đức không nên đi trước.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều áp lực từ các thành viên liên minh khác, đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do yêu cầu ông phải làm vậy. Những người bảo thủ và người đối lập cũng kêu gọi Thủ tướng Scholz thay đổi quyết định.

Đầu tháng này, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba đã bày tỏ lấy làm tiếc về việc Berlin không sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của Kiev về xe tăng. Ông Kuleba nói rằng Ukraine không hiểu lý do khiến Đức do dự là gì.

Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại nước láng giềng Ukraine vào cuối tháng 2, Đức cùng hầu hết các quốc gia phương Tây khác đã cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ban đầu, mặc dù giới hạn các lô hàng này chủ yếu là súng cầm tay và tên lửa chống tăng, nhưng kể từ đó, Berlin đã chuyển giao các loại vũ khí hạng nặng hơn, bao gồm hệ thống phòng không tự hành và lựu pháo.

Nga nhiều lần khẳng định việc phương Tây chuyển giao vũ khí cho Ukraine chỉ nhằm kéo dài cuộc xung đột. Moscow cũng cảnh báo, các quốc gia thành viên NATO ngày càng tham gia vào các hành động thù địch, và điều này có khả năng dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự tổng lực giữa NATO và Nga.