Dịp cuộc gặp cấp cao thường niên năm nay của nhóm G20 do Indonesia chủ trì tổ chức ở Bali, họ sẽ gặp nhau trực tiếp lần đầu tiên cùng trên cương vị đứng đầu nhà nước.
Ông Tập Cận Bình vừa bắt đầu nhiệm kỳ quyền lực mới với Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông Biden và đảng Dân chủ ở nước Mỹ vừa làm cuộc lội ngược dòng ngoạn mục trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ cách đây mấy ngày ở nước Mỹ, củng cố được uy tín cá nhân và vị thế quyền lực.
Trung Quốc và Mỹ hiện đều phải trực diện không ít khó khăn về đối nội và phát triển kinh tế cũng như không ít khó xử về đối ngoại và trong quan hệ quốc tế. Ở thời ông Biden trị vì nước Mỹ cho đến nay, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc còn căng thẳng, bất hòa và đối địch hơn cả ở thời người tiền nhiệm của ông Biden là ông Donald Trump thuộc Đảng Cộng hoà.
Thời gian qua, chính trị thế giới và quan hệ quốc tế lại có những biến động bất ngờ, tác động trực tiếp và rất mạnh mẽ tới những lợi ích chiến lược cơ bản và mưu tính chiến lược lâu dài của cả hai bên.
Cái bi hài độc đáo đặc trưng cho cặp quan hệ song phương này là Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh chiến lược không khoan nhượng với nhau trên mọi phương diện để có được ưu thế hơn nhau, nhưng lại phải hợp tác với nhau thì mới có thể thực hiện được những lợi ích và đạt được những mục đích nói trên. Nói theo cách khác, hai bên phải dùng cả việc hợp tác với nhau để đối phó và kiềm chế lẫn nhau.
Tại Bali, ông Biden và ông Tập Cận Bình gặp nhau trực tiếp lần đầu tiên trên cùng cương vị đứng đầu nhà nước. Hai ông sẽ gặp nhau ở Bali vì ông Tập Cận Bình không tới Ai cập và Campuchia như ông Biden trong khi ông Biden không tới Thái Lan như ông Tập Cận Bình.
Cuộc gặp này đã trở nên cần thiết đối với Mỹ và Trung Quốc bởi Trung Quốc cần đối thoại và hợp tác với Mỹ để kiềm chế Mỹ gia tăng đối đầu và ngăn cản những đồng minh của Mỹ hùa theo Mỹ đối địch Trung Quốc.
Mỹ cần đối thoại và hợp tác với Trung Quốc để vừa cạnh tranh chiến lược toàn diện với Trung Quốc vừa không để Trung Quốc liên thủ với các đối thủ và địch thủ của Mỹ.
Có thể thấy được rõ nhất điều này trong vấn đề Đài Loan đối với Trung Quốc và cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine đối với Mỹ. Trung Quốc phải nhằm vào Mỹ thì các đồng minh của Mỹ mới kiềm chế hơn trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác của họ với Đài Loan.
Mỹ phải tranh thủ Trung Quốc thì Trung Quốc mới không cùng với một số đối tác khác vô hiệu hóa những biện pháp chính sách của Mỹ và đồng minh đối phó Nga liên quan đến cuộc chiến ở Ucraine. Mỹ và Trung Quốc có nhu cầu cấp thiết như nhau về kiểm soát và quản trị diễn biến của mối quan hệ song phương. "Thoát nhau" là chuyện không thể đối với cả hai, hiện tại cũng như trong tương lai.
Ở Bali, ông Biden và ông Tập Cận Bình đề cập tới hai nội dung nói trên, nhưng trao đổi cả về nhiều vấn đề khác nữa để xác định lằn ranh cho nhau như trong vấn đề Đài Loan, Biển Đông, Hồng Kông, Tân Cương... hay khả năng có thể hợp tác được với nhau như chống biến đổi khí hậu trái đất, vấn đề hạt nhân của Iran và Triều Tiên…
Ông Biden và ông Tập Cận Bình dẫu có nỗ lực và thành tâm đến mấy ở Bali thì cũng sẽ khó có thể tạo nên được sự khởi đầu mới cho mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Sự khác biệt rất rõ ràng, thậm chí còn cả đối kháng lợi ích cơ bản hiện tại và chiến lược lâu dài cũng như sự thiếu vắng của lòng tin vào nhau khiến cho mối quan hệ song phương này hiện không có cơ hội được cải thiện cơ bản.
Sự khởi đầu cho thời kỳ quan hệ mới có chăng chỉ là hình thức và được chủ ý đề cao ở các phát ngôn của ông Biden và ông Tập Cận Bình ở Bali chứ chưa thể có được thực chất. Hai bên đều cần hình thức ấy để ít nhất cũng tạo được thanh thế và uy lực nhất định cho cặp quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ trong chính trị thế giới hiện tại.