Giá dầu đã ổn định trong phiên này khi lượng tồn kho dầu của Mỹ tăng vọt đã củng cố thêm lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại do tác động từ thương chiến Mỹ - Trung.
Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa nâng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc nếu quốc gia này không tiến tới thỏa thuận thương mại.
Những nhận định trên được đưa ra trong suốt cuộc họp giữa Tổng thống Mỹ và các thành viên nội các trong ngày 19/11. “Nếu chúng ta không tiến tới thỏa thuận với Trung Quốc, tôi sẽ nâng thuế thậm chí còn cao hơn”, ông Trump cho biết trong cuộc họp.
Hai cường quốc kinh tế thế giới đã rơi vào thế bế tắc trong các cuộc đàm phán thương mại vốn đã kéo dài gần hai năm. Những lo ngại về cuộc chiến thương mại đã ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, từ đó làm giảm nhu cầu xăng dầu. Tuy nhiên, trong phiên này, các thị trường tài chính - vốn phản ứng nhạy cảm với các diễn biến của cuộc chiến thương mại hiện tại – cũng như thị trường hàng hóa, bao gồm dầu mỏ, đều gạt đi những lời cảnh báo mới nhất của ông Trump.
Cụ thể, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 11 xu Mỹ, tương đương 0,2%, lên 55,32 USD/thùng sau khi lao dốc 4,3% trong hai phiên trước đó.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao dịch ở mức 60,93 USD/thùng, nhích 2 xu Mỹ, tương đương 0,03%. Giá mặt hàng dầu này đã giảm 3,8% trong hai phiên đầu tuần.
Tuy nhiên thị trường năng lượng vẫn chịu sức ép từ nguy cơ tái diễn tình trạng dư cung trong bối cảnh đàm phán thương mại Mỹ - Trung thiếu đột phá.
Viện Dầu khí Mỹ (API) hôm 19/11 cho biết các kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 6 triệu thùng trong tuần tính đến 15/11 đạt mức 440,9 triệu, cao hơn so với dự báo của giới phân tích chỉ tăng khoảng 1,5 triệu thùng.
Lượng tồn kho dầu mỏ của Mỹ tăng mạnh cùng với lo ngại về tình trạng dư cung dầu thô gia tăng sau khi Reuters đưa tin rằng Nga, nhà sản xuất dầu lớn thứ 2 thế giới, có thể không nhất trí cắt giảm sản lượng sâu hơn theo thỏa thuận với Tổ chức Xuất khẩu Dầu mỏ Các quốc gia (OPEC) trong cuộc họp chính sách vào ngày 5-6/12 tại Vienna.
OPEC cùng các đồng minh, dẫn đầu là Nga, còn được là Nhóm OPEC+, đã đồng ý thực hiện việc cắt giảm sản lượng khoảng 1,2 triệu thùng/ngày đến tháng 3/2020 để cân bằng thị trường nhằm đẩy giá dầu đi lên.
Nhà phân tích hàng hóa Edward Moya tại OANDA nhận xét: “Giá dầu đang chịu tác động tiêu cực khi các nguồn tin cho biết Nga sẽ không thể nhất trí cắt giảm sản lượng hơn nữa tại cuộc họp với các nước sản xuất dầu mỏ khác vào tháng tới”. Theo nhà phân tích Moya, dữ liệu API cũng cho thấy tồn kho “vàng đen” của Mỹ tăng khá mạnh trong tuần trước, nếu được xác nhận bởi báo cáo EIA, giá dầu có thể tiếp tục trượt dốc.
Giới phân tích cũng lo ngại trước khi báo cáo dự trữ dầu hàng tuần của Mỹ được công bố, khi dự trữ của nước này được cho là sẽ tăng.
Ngoài ra, việc đồng USD lên giá đã khiến dầu được định giá theo đồng tiền này ít hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các đồng tiền khác. Chỉ số USD, phản ánh sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, tăng 0,07%, lên 97,8588 điểm./.