
Theo số liệu sơ bộ do Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố sáng 17/2, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này trong quý cuối cùng của năm ngoái đạt mức 2,8% trung bình hàng năm, vượt xa mức dự báo tăng 1% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.
Báo cáo mới nhất cho thấy một số điểm sáng trong bức tranh nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, song các chuyên gia nhận định, mức tăng trưởng GDP tích cực được "hưởng lợi" phần nào từ sự sụt giảm nhập khẩu, giúp cải thiện thương mại ròng, cũng như nhờ tiền thưởng cuối năm.
Tiêu dùng tư nhân, bộ phận chiếm hơn một nửa sản lượng kinh tế của Nhật Bản, tăng 0,1% trong quý 4/2024 so với quý trước đó, vượt mức dự báo tăng 0,3%, nhưng thấp hơn mức tăng 0,7% đạt được trong quý 3.
Chuyên gia kinh tế Kazutaka Maeda tại Viện Nghiên cứu Meiji Yasuda cho rằng tiêu dùng được thúc đẩy bằng mức thưởng cuối năm cao, và từ tháng 1/2025 trở đi, tiêu dùng có thể sẽ suy yếu khi hiệu ứng của tiền thưởng không còn.
Báo cáo mới nhất cho thấy đầu tư cơ bản - một động lực của tăng trưởng kinh tế dựa trên nhu cầu của khu vực tư nhân - tăng 0,5% trong quý 4, không đạt mức dự báo tăng 1% mà giới phân tích đưa ra, nhưng đảo ngược cú giảm của quý trước đó.
Nhu cầu bên ngoài ròng, tức xuất khẩu trừ đi nhập khẩu, đóng góp khoảng 0,7% vào tăng trưởng GDP quý 4 của Nhật, đảo ngược sự đóng góp âm của quý 3. Sự suy giảm của nhập khẩu có thể là một dấu hiệu của nhu cầu yếu trong nước, theo các nhà phân tích.
Một số nhà phân tích cho rằng số liệu tăng trưởng toàn phần đã được cải thiện một phần nhờ nhập khẩu giảm trong quý 4 - yếu tố cải thiện số liệu thương mại ròng, bên cạnh việc tiền thưởng cuối năm kích thích người tiêu dùng chi tiêu.
“Nếu xem xét một cách chi tiết, có thể thấy nền kinh tế không thực sự mạnh như những gì được phản ánh qua số liệu tổng quát” – chuyên gia Yasuda nhận định với hãng tin Reuters.
Trong khi đó, nhà kinh tế Katsuhiko Aiba của ngân hàng Citi cảnh báo, trong quý 1/2025, chi tiêu tiêu dùng có thể vẫn yếu và chỉ phục hồi toàn diện sau quý 2.
Bên cạnh đó, giới phân tích cũng đề cập đến việc các kế hoạch thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể gây đảo lộn thương mại toàn cầu và gây áp lực suy giảm tăng trưởng đối với nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của Nhật Bản. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nhật, chiếm 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.
“Chính sách thuế quan của Tổng thống Trump còn nhiều điều khó lường. Do đó, xuất khẩu của Nhật Bản sang thị trường Mỹ có khả năng sẽ gặp trở ngại trong thời gian tới”, nhà kinh tế Uichiro Nozaki của công ty Nomura Securities nhận định.
"Nếu Mỹ áp thuế đối với ô tô nhập khẩu, ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, và đây là một yếu tố rủi ro đối với nền kinh tế lớn thứ tư thế giới" - chuyên gia kinh tế trưởng Saisuke Sakai của Công ty Mizuho Research cho hay.
Dù vậy, số liệu GDP mới nhất của Nhật Bản ủng hộ quan điểm của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) rằng các yếu tố nhu cầu và tăng trưởng kinh tế ít nhất đủ vững để BOJ tiếp tục tăng lãi suất lần thứ hai trong năm nay.
Nhật Bản đang chứng kiến lạm phát tăng cao - một trong những lý do khiến BOJ phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Trong cuộc họp chính sách vào tháng 1 vừa qua, BOJ đã nâng lãi suất lên 0,5%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2008.