Giá dầu bất ngờ suy yếu trong phiên giao dịch này mặc dù Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã nhất trí kéo dài việc cắt giảm sản xuất trong cuộc họp chính sách hôm 1/7 tại thủ đô Vienna của Áo.
Cụ thể, giá dầu Brent hạ 18 xu Mỹ, tương đương 0,28%, xuống mức 64,88 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao cũng sụt 20 xu Mỹ, tương đương 0,34%, xuống còn 58,89 USD/thùng, sau khi chạm mức cao nhất trong hơn 5 tuần ở phiên trước đó.
Tại cuộc họp chính sách hôm 1/7, trong một nỗ lực nhằm hỗ trợ giá dầu trong dài hạn, các nước OPEC đã nhất trí kéo dài thỏa thuận cắt giảm nguồn cung dầu mỏ đến tháng 3/2020.
Ba nguồn tin từ OPEC cho biết, trước những lo ngại về tình trạng dư cung toàn cầu vẫn tồn tại, các thành viên của tổ chức này đã thống nhất kéo dài việc cắt giảm nguồn cung thêm 9 tháng trong cuộc họp tại Vienna (Áo) khi nền kinh tế toàn cầu chậm lại và sản xuất dầu của Mỹ tăng vọt.
Quyết định của OPEC được đưa ra trong bối cảnh các thành viên tổ chức này và Nga đang ngày càng lo ngại đối với sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tăng liên tục. Chính điều này được cho là đã tác động tiêu cực tới nhu cầu trên các thị trường quốc tế. Hai nhà sản xuất dầu chủ chốt Ả Rập Saudi và Nga tin rằng việc cắt giảm nguồn cung có thể giúp duy trì giá dầu ở mức 70 USD/thùng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 29/6 cho biết, ông đã đồng ý với Ả Rập Saudi về việc gia hạn cắt giảm sản lượng toàn cầu 1,2 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 1,2% nhu cầu thế giới, cho đến tháng 12/2019 hoặc tháng 3/2020.
Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khalid al-Falih hôm 2/7 nói rằng ông tin tưởng 100% vào việc Nhóm OPEC+ đạt được thỏa thuận kéo dài cắt giảm sản xuất dầu mỏ.
14 nước OPEC đang đối mặt với những lo ngại về triển vọng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu yếu hơn do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Giá dầu có thể suy yếu khi nền kinh tế toàn cầu tăng chậm lại làm siết chặt nhu cầu và dầu Mỹ tràn ngập thị trường, một cuộc thăm dò của các nhà phân tích của Reuters cho biết.
“Có vẻ như nguồn cung dầu toàn cầu đang được thắt chặt đang hỗ trợ cho giá dầu, tuy nhiên những lo ngại về nhu cầu đang buộc các nước trong và ngoài OPEC phải nỗ lực để giữ cho thị trường không rơi vào tình trạng dư thừa nguồn cung trong thời gian tới”, nhà phân tích Tamas Varga của PVM lưu ý.
Theo kế hoạch, OPEC cùng với Nga và các nhà sản xuất dầu chủ chốt khác, còn được gọi là Nhóm OPEC+, sẽ có cuộc họp chung trong ngày 2/7 để thảo luận về việc cắt giảm nguồn cung trong bối cảnh sản lượng của Mỹ liên tục gia tăng.
Thị trường dầu mỏ đang chịu áp lực từ sản lượng dầu đá phiếu của Mỹ tăng mạnh cùng với lo ngại về sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ. Hoạt động chế tạo đã thu hẹp tại hầu hết các nước châu Âu và châu Á trong tháng 6 vừa qua. Tại Mỹ, hoạt động chế tạo cũng chứng kiến mức tăng trưởng chậm lại, xuống gần mức thấp của 3 năm trong tháng 6. Những số liệu này khiến các nhà hoạch định chính sách thế giới đứng trước áp lực phải ngăn chặn nguy cơ suy thoái kinh tế.
Tuy nhiên, đà suy yếu của giá “vàng đen” được hạn chế phần nào trong phiên ngày 2/7 sau khi số liệu cho thấy lượng dự trữ dầu thô của Mỹ giảm trong tuần thứ 3 liên tiếp.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc trong các cuộc gặp bên lề hội nghị G20 vừa qua đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán thương mại.
Mặc dù vậy, dòng tweet đăng hôm 1/7 của Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng bất kỳ thỏa thuận thương mại nào với Trung Quốc sẽ cần phải nghiêng lợi ích về phía Washington cũng đặt ra nghi ngờ về triển vọng đạt một thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nhà phân tích thị trường cấp cao Ipek Ozkardeskaya tại London Capital Group nhận định: “Các nhà giao dịch dầu mỏ giờ sẽ chuyển sự chú ý sang các dữ liệu kinh tế, vì tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang suy yếu và nhu cầu dầu mỏ tăng