Nhu cầu nhiên liệu chững lại và lo ngại suy thoái kinh tế đã kéo giá dầu WTI của Mỹ xuống dưới ngưỡng 100 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 5/7.
Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 5/7, giá dầu WTI lao dốc 8,93 USD, tương đương 8,24%, về mức 99,50 USD/thùng. Giá mặt hàng dầu này có thời điểm trong phiên giảm 10% xuống mức 97,43 USD/thùng. Trên thị trường London, giá dầu Brent cũng mất 10,73 USD/thùng tương đương 9,45% xuống còn 102,77 USD/thùng.
Hãng tư vấn năng lượng Ritterbusch & Associates cho biết, khả năng suy thoái tăng cao ngày càng áp đảo tình trạng mất cân bằng nguồn cung toàn cầu đã bắt đầu ảnh hưởng đến nhu cầu về “vàng đen”. "Thị trường dầu mỏ dường như đang ghi nhận nhu cầu suy yếu rõ ràng đối với mặt hàng xăng và dầu diesel" - công ty Ritterbusch & Associates (Mỹ) lưu ý trong một báo cáo gửi đến khách hàng hôm 5/7.
Cả hai mặt hàng dầu chính đều giảm giá trong tháng 6, chấm dứt chuỗi leo dốc trong 6 tháng liên tiếp khi quan ngại suy thoái khiến thị trường xem xét lại triển vọng nhu cầu. Trước đó, Citigroup nhận định giá dầu Brent có thể rớt xuống 65 USD/thùng vào cuối năm nay nếu như nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái.
Tuy nhiên, Citigroup là một trong số ít công ty dự đoán giá dầu sẽ giảm trong khi những công ty khác, như Goldman Sachs từng nhận định giá dầu sẽ tăng lên hơn 140 USD/thùng.
Giá dầu thế giới tăng mạnh kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu do Moscow là nhà cung cấp nhiên liệu hàng đầu thế giới, đặc biệt là cho khu vực châu Âu.
Giá dầu WTI của Mỹ từng thiết lập mức cao kỷ lục tới 130,50 USD/thùng vào tháng 3 vừa qua, trong khi giá dầu Brent đạt mốc 140 USD/USD. Đây là mức cao nhất của hai mặt hàng dầu này được ghi nhận kể từ năm 2008.
Bất chấp đà lao dốc trong những phiên gần đây, một số chuyên gia năng lượng nhận định rằng giá dầu vẫn có nhiều khả năng tiếp tục leo thang trong ngắn hạn. Ông Bart Melek, Trưởng bộ phận Chiến lược Hàng hóa tại Ngân hàng đầu tư TD Securities, hôm 5/7 đánh giá: "Theo dữ liệu lịch sử, suy thoái không ảnh hưởng nhiều tới nhu cầu. Trong khi đó, lượng dầu dự trữ đang ở mức thấp báo động sẽ giúp nhu cầu đối với nhiên liệu tăng mạnh".
Trong khi đó, John Kilduff, đối tác của Again Capital LLC, cho rằng thị trường năng lượng trong thời gian tới vẫn còn lực đẩy quan trọng, đó là tình trạng thắt chặt nguồn cung chưa được cải thiện.
Cũng có quan điểm tương tự, nhà phân tích cao cấp Louise Dickson của công ty Rystad Energy cho biết xung đột Nga-Ukraine sẽ còn chi phối thị trường năng lượng toàn cầu, khiến giá dầu tiếp tục đi lên trong thời gian tới do nỗi lo ngại nguồn cung bị gián đoạn. Bà Dickson lưu ý thêm rằng chiến sự tại Ukraine sẽ càng làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát giá tại châu Âu. Theo chuyên gia này, áp lực về thiếu hụt nguồn cung dầu mỏ toàn cầu vẫn dai dẳng, đặc biệt một số thành viên thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang gặp khó khăn trong việc thực hiện hạn ngạch tăng sản lượng theo thỏa thuận tăng nguồn cung của OPEC và các nhà sản xuất dầu chủ chốt khác, còn được gọi là nhóm OPEC+.
Thậm chí, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ngày 5/7 cảnh báo đề xuất của Nhật Bản ấn định giá trần với dầu của Nga ở mức tương đương 50% giá mua hiện tại sẽ làm giảm đáng kể lượng dầu trên thị trường và có thể đẩy giá dầu lên trên 300-400 USD/thùng.