Giá dầu Brent đi xuống do nỗi lo nguồn cung tại Trung Đông lắng dịu

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá “vàng đen” giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày 17/6 trong bối cảnh các dấu hiệu suy thoái kinh tế tác động tiêu cực đến triển vọng nhu cầu dầu mỏ.

Cụ thể, giá dầu Brent sụt 25 xu Mỹ, tương đương 0,4%, xuống 61,76 USD/thùng sau khi tăng 1,1% trong phiên giao dịch ngày 14/6. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 22 xu Mỹ, tương đương 0,4%, xuống còn 52,29 USD/thùng, sau khi nhích 0,4% trong phiên trước đó.
Giá dầu giảm nhẹ trong phiên 17/6.
Tổ chức JBC Energy ngày 17/6 lưu ý: “Tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đang giảm xuống mức thấp nhất trong 17 năm qua khi căng thẳng thương mại với Mỹ gia tăng”. JBC Energy cho biết, thị trường dầu mỏ trong phiên giao dịch này chịu thêm sức ép sau khi Ấn Độ áp thuế trả đũa đối với một số hàng hóa của Mỹ từ ngày 16/6.
Bên cạnh đó, giá dầu cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu đối với dầu mỏ trong năm 2019 trong bối cảnh leo thang tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
IEA hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ giảm 100.000 thùng/ngày xuống còn 1,2 triệu thùng/ngày trong năm nay, song cho biết bức tranh năng lượng sẽ được cải thiện vào năm 2020 nhờ các gói kích thích và tăng trưởng ở các nước đang phát triển.
Lo ngại xảy ra cuộc xung đột quân sự giữa Mỹ và Iran đã giảm mặc dù Mỹ cáo buộc Iran chịu trách nhiệm vụ tấn công 2 tàu chở dầu trên vịnh Oman hôm 13/6 vừa qua. Tuy nhiên Tehran phủ nhận liên quan đến vụ tấn công này.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 16/6 cho biết, Washington không muốn gây chiến với Iran, song sẽ thực hiện mọi hành động cần thiết, bao gồm giải pháp ngoại giao, để đảm bảo an toàn hàng hải ở Trung Đông.
Tuy nhiên, đà giảm giá của “vàng đen” trong phiên giao dịch này được hạn chế khi thị trường nhận được một số hỗ trợ sau phát biểu của Bộ trưởng Năng lượng Ả Saudi Khalid al-Falih vào cuối tuần nói rằng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có thể sẽ gặp trong tuần đầu tiên của tháng 7 và ông hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận về việc kéo dài việc kiềm chế sản lượng dầu.
“Chúng tôi hy vọng rằng OPEC và các nước sản xuất dầu chủ chốt khác sẽ đạt được sự đồng thuận để gia hạn thỏa thuận khi tổ chức chúng tôi có cuộc họp chính sách sau 2 tuần tới tại Vienna của Ảo”- Bộ trưởng al-Falih Aalih nói với các phóng viên tại cuộc họp cấp bộ trưởng năng lượng và môi trường G20 ở Karuizawa, phía tây bắc Tokyo hôm 16/6.
OPEC và các đồng minh, dẫn đầu là Nga, thực hiện cắt giảm 1,2 triệu thùng dầu/ngày kể từ ngày 1/1/2019. Hiệp ước cắt giảm sản xuất sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng này và các nước trong và ngoài OPEC sẽ họp trong những tuần tới để đưa ra quyết định đối với chính sách sản lượng dầu mỏ.