Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu Brent lại vượt 65 USD/thùng do lo ngại bất ổn chính trị tại Libya,Iraq

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá “vàng đen” đi lên trong phiên giao dịch ngày 21/1, chủ yếu vì những nỗi lo về nguồn cung do tình trạng bất ổn ở Libya và Iraq.

Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch này sau khi Libya tuyên bố phải đóng cửa 2 mỏ dầu lớn và các cuộc biểu tình leo thang ở Iraq, làm gia tăng mối lo ngại về nguồn cung.
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 11 xu Mỹ, tương đương 0,2%, lên mức 65,31 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI cũng leo dốc 20 xu Mỹ, tương đương 0,3%, lên 58,74 USD/thùng.
 Giá dầu đi lên trong phiên giao dịch ngày 21/1.
Mỏ dầu lớn nhất ở Libya đã tạm ngưng sản xuất sau khi các lực lượng vũ trang cắt đứt một đường ống dẫn dầu và ngăn chặn xuất khẩu. “Mức sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày đã hoàn toàn bị tê liệt sau khi các lực lượng trung thành với Khalifa Haftar khiến một đường ống ngừng hoạt động”, Neil Wilson - Giám đốc phân tích thị trường tại Markets.com, cho hay.
Trong khi đó, cuộc đình công của các nhân viên an ninh đã buộc phải tạm ngừng công việc ở một mỏ dầu tại Iraq.
Tập đoàn Dầu khí quốc gia Libya (NOC) ngày 19/1 thông báo sẽ cắt giảm hoạt động sản xuất tại hai mỏ dầu El Sharara và El Feel sau khi lực lượng miền Đông của Tướng Khalifa Haftar đã đóng cửa một đường ống dẫn từ các mỏ dầu này.
Thông báo của NOC xác nhận lực lượng miền Đông đã đóng đường ống dẫn dầu Hamada-Zawiya, buộc NOC phải hạn chế hoạt động sản xuất dầu tại các mỏ dầu E1 Sharara và El Feel. Hiện 2 mỏ này có tổng sản lượng khoảng 370.000 thùng/ngày.
“Sự cố ngừng hoạt động này diễn ra trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về tình trạng bất ổn chung ở Iraq, nhà sản xuất số 2 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), có thể leo thang và gây ra sự gián đoạn nguồn cung lan rộng hơn nữa nếu những người biểu tình quyết tâm chiếm lấy mỏ dầu”, Stephen Innes, Giám đốc chiến lược thị trường châu Á tại AxiTrader, nhận định.
Giá dầu đã sụt giảm trong 2 tuần qua. Sau khi tình trạng căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng hồi đầu năm, hai nước đã có những động thái “hạ nhiệt”, qua đó giúp thị trường dầu bình ổn trở lại phần nào.
Nếu hoạt động xuất khẩu dầu của Libya đình trệ trong dài hạn, các kho chứa dầu ở nước này sẽ được “lấp đầy” chỉ trong vài ngày và sản lượng dầu trong nước sẽ giảm còn 72.000 thùng/ngày. Libya hiện sản xuất khoảng 1,2 triệu thùng/ngày.
Ông Takashi Tsukioka, Chủ tịch Hiệp hội Dầu mỏ Nhật Bản, giá dầu WTI có thể duy trì quanh mức khoảng 60 USD/thùng, giữa lúc thị trường tập trung vào tình trạng cung cầu và các sản phẩm dầu của Mỹ, cũng như rủi ro địa chính trị ở Trung Đông.
Các nhà phân tích của Tập đoàn Ngân hàng Australia và New Zealand cho biết trong một ngày tới, Libya có thể sẽ giữ giá dầu được hỗ trợ tốt trong những ngày tới.
Hội nghị hòa bình quốc tế về Libya vừa kết thúc tại thủ đô Berlin, Đức với cam kết tôn trọng lệnh cấm vận vũ khí và không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Libya nhằm sớm khôi phục hòa bình tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá này. Tuy nhiên, lãnh đạo hai bên tham chiến trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya được Liên Hợp Quốc công nhận Fayez al- Sarraj và tướng Khalifa Haftar, dẫn đầu lực lượng miền Đông đã từ chối gặp nhau trực tiếp tại hội nghị quốc tế do Liên Hợp Quốc chủ trì này.  
Kết quả lớn nhất đạt được tại hội nghị là việc lãnh đạo 11 nước tham gia, trong đó có Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Pháp và Đức đã khẳng định cam kết, sẽ không có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột./.