Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu Brent quay đầu giảm mạnh nhất trong gần 2 tháng

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính chung trong tuần, giá dầu Brent sụt 3,7%, chứng kiến tuần giảm lớn nhất từ đầu tháng 8, dầu WTI cũng trượt 3,6% - mức giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 7.

Thị trường “vàng đen” chịu áp lực mất giá trong tuần do sự phục hồi sản lượng của Ả Rập Saudi nhanh hơn dự tính, những lo ngại về triển vọng nhu cầu suy yếu do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và số liệu kinh tế chậm lại ở nhiều nước, đặc biệt tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Trong phiên giao dịch ngày 23/9, giá dầu mỏ tăng khoảng 1%, giữa bối cảnh các nhà đầu tư thận trọng với khả năng và thời điểm Ả Rập Saudi có thể khôi phục hoàn toàn sản lượng sau vụ tấn công các cơ sở dầu mỏ của tập đoàn Aramco hôm 14/9.
 Thị trường dầu mỏ chịu áp lực giảm mạnh trong tuần do sự phục hồi sản lượng của Ả Rập Saudi nhanh hơn dự báo.
Tuy nhiên, bước sang phiên giao dịch ngày 24/9, giá dầu thế giới đã lao dốc hơn 2%, chạm mức thấp nhất kể từ thời điểm xảy ra vụ tấn công các nhà máy lọc dầu chủ chốt của Ả Rập Saudi, do giới giao dịch tiếp tục lo ngại về thương chiến Mỹ - Trung, vốn đã kìm hãm nhu cầu dầu mỏ toàn cầu thời gian qua.
Phát biểu tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Trung Quốc thực hiện các biện pháp thương mại không công bằng. Phát biểu của ông Trump được đưa ra chỉ vài ngày sau khi các quan chức thương mại của Mỹ và Trung Quốc kết thúc cuộc đàm phán thương mại cấp thứ trưởng mà không có tiến triển tại New York.
Chuyên gia John Kilduff - một đối tác của Again Capital LLC ở New YoK (Mỹ), nhận xét rằng ông Trump tiếp tục "đổ thêm dầu vào lửa" giữa lúc cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Điều này cho thấy nỗ lực giải quyết cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa đạt được bước tiến đáng kể nào.
Trong phiên giao dịch 25/9, giá “vàng đen” tiếp tục suy yếu sau khi các số liệu chính thức cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ gia tăng và Riyadh  đã khôi phục hoạt động sản xuất dầu nhanh hơn dự kiến.
Giá dầu giảm mạnh trong phiên ngày 26/9, khi các tin tức liên quan đến cuộc điều tra luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng có tác động đến tâm lý các nhà giao dịch. Ngày 25/9, Nhà Trắng đã công bố bản ghi chép nội dung cuộc điện đàm hôm 25/7 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, vụ việc đang làm dậy sóng chính trường Mỹ và khiến ông Trump đối mặt với nguy cơ bị luận tội. 
Giới phân tích cho rằng giá dầu còn chịu áp lực từ số liệu ảm đạm từ các nền kinh tế hàng đầu châu Âu và Nhật Bản.
Giá dầu thế giới ghi nhận phiên giảm thứ 4 liên tiếp trong ngày 27/9, sau thông tin Mỹ tính dỡ trừng phạt Iran. Phiên giảm này nâng tổng mức giảm của giá dầu trong tuần lên gần 4%.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 27/9 khẳng định rằng Mỹ đề xuất loại bỏ toàn bộ biện pháp trừng phạt lên Iran và đổi lại, hai bên sẽ đàm phán. Sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ và Tổng thống Trump đều phủ nhận khẳng định này.
Căng thẳng leo thang tại Trung Đông - đặc biệt sau vụ tấn công vào cơ sở dầu lửa trọng yếu của Ả Rập Saudi hồi giữa tháng này - là nhân tố đẩy giá dầu tăng mạnh trong tuần trước. Bởi vậy, những thông tin cho thấy căng thẳng Mỹ  - Iran dịu bớt đã gây sức ép giảm giá lên thị trường năng lượng thế giới.
Tuy nhiên, Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Iran Brian Hook nói rằng những tuyên bố của Tehran là "vô căn cứ". Tổng thống Mỹ cũng viết trên trang Twitter rằng: "Iran muốn tôi dỡ trừng phạt cho họ để đàm phán. Dĩ nhiên tôi đã nói là không!".
 Trong tuần, giá dầu Brent giảm gần 4%.
Giá dầu đã hạn chế đà giảm mạnh ở đầu phiên sau tuyên bố của ông Trump. Tuy nhiên, giá dầu lại suy yếu sau khi hãng Bloomberg nói rằng chính quyền ông Trump đang tìm cách hạn chế việc các nhà đầu tư Mỹ rót vốn vào cổ phiếu của các công ty Trung Quốc. Theo nguồn tin của Bloomberg, Washington có thể không cho phép DN Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Thông tin này khiến các nhà giao dịch dầu mỏ lo ngại về một đợt leo thang mới trong cuộc xung đột thương mại giữa Washington và Bắc Kinh, yếu tố đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong hơn 1 năm qua.
Chốt phiên, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ sụt 0,5 USD/thùng, tương đương giảm 0,9%, còn 55,91 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giảm 0,83 USD/thùng, tương đương 1,3%, xuống còn 61,91 USD/thùng.
Giá dầu cũng chịu áp lực đi xuống trong phiên này sau khi tờ Wall Street Journal đưa tin rằng Ả Rập Saudi đang tiến tới đạt thỏa thuận ngừng bắn một phần với Yemen, quốc gia láng giềng đang chìm trong nội chiến.
Tính cả tuần, giá dầu WTI giảm 3,6%, còn giá dầu Brent hạ 3,7%. Tuần trước, do ảnh hưởng vụ tấn công Ả Rập Saudi, giá dầu WTI tăng 5,9%, mạnh nhất kể từ tháng 6, và giá dầu Brent tăng 6,7%, mạnh nhất kể từ tháng 1./.