Cụ thể, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 3 xu Mỹ, tương đương 0,05%, lên 59,33 USD/thùng sau khi đạt 59,55 USD/thùng trong phiên trước đó, mức cao nhất kể từ tháng 7/2015. Giá dầu Brent đã tăng 30% so với hồi tháng 6.
Giá dầu thô Brent gần chạm ngưỡng 60 USD/thùng. |
Dầu thô ngọt nhẹ WTI giao dịch ở mức 52,60 USD/thùng, giảm 4 xu Mỹ, hay 0,06% so với đóng cửa phiên ngày 26/10 nhưng vẫn tăng 25% so với mức thấp hồi tháng 6. Giá dầu ngọt nhẹ WTI phục hồi yếu hơn so với Brent do sản lượng của Mỹ gia tăng hạn chế đà tăng. Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường tại công ty môi giới kỳ hạn OANDA ở Singapore cho biết: “Giá dầu tiếp tục phục hồi trong phiên này, với dầu Brent gần chạm mốc 60 USD/thùng là do được hỗ trợ từ phát biểu của Thái tử Ả Rập Saudi ủng hộ việc gia hạn thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ đến hết năm 2018”.
Phát biểu với hãng tin Reuters (Anh), ngày 26/10, Thái tử Ả Rập Saudi, Mohammad bin Salman, nói rằng nước này sẽ hỗ trợ việc gia hạn thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC trong một nỗ lực nhằm cân bằng thị trường dầu toàn cầu.
Trong phiên giao dịch ngày 26/10, giá dầu thế giới đảo chiều tăng trở lại, trong đó giá dầu chạm mức cao nhất trong 27 tháng, sau khi Ả Rập Saudi, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, cam kết sẽ chấm dứt tình trạng dư thừa nguồn cung toàn cầu.
Điều này đã giúp thị trường lạc quan mặc dù kho dự trữ dầu hàng tuần của Mỹ bất ngờ tăng cùng sản lượng và xuất khẩu đều cao hơn.
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi mới đây cho biết nước này sẽ tập trung duy trì lượng dầu khai thác ở mức trung bình của 5 năm và gia tăng triển vọng hạn chế sản lượng sau khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC hết hạn vào tháng 3/2018. OPEC, Nga và các nước sản xuất dầu chủ chốt khác đã cắt giảm khoảng 1,8 triệu thùng dầu/ngày.
Theo kế hoạch, OPEC sẽ nhóm họp vào ngày 7/11 tại Vienna , Áo. Giới phân tích nhận định phiên họp này sẽ là cơ hội để các nước OPEC cân nhắc về phương án tiếp tục gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Dự kiến, các thành viên OPEC cũng sẽ thảo luận việc gia hạn thỏa thuận này tại cuộc họp ngày 30/11 ở Vienna , Áo.
Ngân hàng đầu tư Mỹ phân tích: "Nếu các thành viên trong và ngoài OPEC nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến hết năm 2018, chúng tôi cho rằng thị trường dầu toàn cầu sẽ duy trì mức cung thấp, giúp giảm tình trạng dư thừa nguồn cung, đến năm 2019”.
Trong những tuần gần đây, giá dầu đã phục hồi mạnh do nhận được lực đẩy quan trọng, từ những dấu hiệu cho thấy thị trường đang được siết chặt, lo ngại nguồn cung bị gián đoạn do căng thẳng địa chính trị tại khu vực Trung Đông, đến những dự đoán OPEC sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Tuy nhiên, việc sản lượng dầu mỏ của Mỹ tiếp tục gia tăng vẫn sẽ là trở ngại đối với nỗ lực chấm dứt việc dư thừa nguồn cung dầu nhằm, cân bằng thị trường của OPEC.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 25/10 cho biết dự trữ dầu của Mỹ tăng 856.000 thùng trong tuần kết thúc vào ngày 20/10, cao hơn nhiều so với dự báo trước đó của thị trường là giảm 2,6 triệu thùng.
EIA cho biết sản lượng dầu thô của Mỹ tăng 1,1 triệu thùng/ngày lên 9,5 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc vào 20/10.