Giá dầu tăng nhẹ trong ngày 24/9 nhờ được hỗ trợ từ dấu hiệu cho thấy nguồn cung dầu thô tại Mỹ thắt chặt, bất chấp những lo ngại rằng dịch Covid-19 lây lan mạnh sẽ dẫn đến nhu cầu năng lượng suy yếu.
Giá “vàng đen” đã chứng kiến 3 phiên tăng liên tiếp, song đà đi lên còn hạn chế và giá dầu vẫn ghi nhận mức giảm trong tuần qua.
Chốt phiên giao dịch ngày thứ Năm, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11 trên sàn Nymex nhích 38 xu Mỹ, tương đương gần 1%, lên mức 40,31 USD/thùng, sau khi chạm đáy là 39,12 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 11 trên sàn London tăng 17 xu Mỹ, tương đương 0,4%, lên 41,94 USD/thùng.
Theo số liệu từ Chính phủ Mỹ, dự trữ dầu thô, khí đốt và các sản phẩm chưng cất của nước này đều giảm trong tuần trước.
Giá dầu đã đi lên trong phiên trước đó sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm tuần thứ 2 liên tiếp, sụt 1,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 18/9. Số liệu này thấp hơn nhiều so với dự báo sụt 4 triệu thùng của các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts, và trái ngược hoàn toàn với dự báo tăng 691.000 thùng từ Viện Xăng dầu Mỹ (API).
EIA cũng cho biết dự trữ xăng sụt mạnh hơn dự báo là 4 triệu thùng, còn dự trữ các sản phẩm chưng cất bất ngờ giảm 3.4 triệu thùng.
Thị trường nhiên liện trong phiên giao dịch khởi sắc cũng nhờ thị trường chứng khoán tăng điểm.
Mức tăng của giá dầu trong phiên ngày thứ Năm cũng bị hạn chế bởi số liệu cho thấy lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới của Mỹ đã bất ngờ tăng trong tuần trước, điều này củng cố quan điểm rằng sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 đang chậm lại trong khi đàm phán về các gói kích thích kinh tế mới đang bế tắc.
Chuyên gia phân tích cấp cao Craig Erlam tại OANDA cho rằng giá dầu hiện ổn định, song đang đối mặt sức ép đi xuống do số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến tại châu Âu. Anh, Đức và Pháp đã áp đặt các biện pháp hạn chế mới để ngăn chặn dịch Covid-19 lan rộng, yếu tố làm ảnh hưởng đến nhu cầu đối với dầu mỏ.
Thị trường dầu vẫn còn những vấn đề quan trọng khác cần quan tâm là dịch Covid-19 và lo ngại về các đợt phong tỏa mới”, chuyên gia nghiên cứu cấp cao Lukman Otunuga tại FXTM, nhận xét. “Hàng hóa này vẫn bị ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố từ phía nhu cầu trên thị trường và tình trạng phục hồi của kinh tế toàn cầu”.
Trong khi đó, nhu cầu nhiên liệu của Mỹ vẫn ảm đạm do dịch Covid-19 làm hạn chế hoạt động đi lại. Số liệu của chính phủ cho thấy nhu cầu xăng trung bình trong 4 tuần đã giảm 9% trong tuần trước, so với mức của cùng kỳ năm trước.
Về vấn đề nguồn cung, thị trường năng lượng vẫn thận trọng trước việc Lybia nối lại xuất khẩu dầu, mặc dù chưa rõ nước này có thể tăng sản lượng bao nhiêu./.