Giá “vàng đen” nhích gần chạm mức 65 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 21/6 trong bối cảnh các nhà giao dịch lo ngại nguồn cung dầu tại Trung Đông - nơi cung cấp hơn 20% sản lượng dầu thế giới, có thể bị thiếu hụt nếu xảy ra cuộc xung đột quân sự giữa Mỹ và Iran.
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 42 xu Mỹ, tương đương 0,66%, lên mức 64,87 USD/thùng. Giá mặt hàng dầu này đã leo dốc tới 4,3% trong phiên giao dịch ngày 20/6 và đang trên đà đạt mức tăng 5% trong tuần, sắp ghi nhận tuần đi lên đầu tiên trong hơn 1 tháng.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 21 xu Mỹ, tương đương 0,38%, lên mức 57,28 USD/thùng. Giá dầu Mỹ cũng nhích 5,4% trong phiên trước đó và sắp chứng kiến mức tăng 9% trong tuần này.
“Giá dầu thế giới nhảy vọt trong 2 phiên gần đây do căng thẳng Trung Đông gia tăng sau khi Iran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ trong khi chính quyền Washington tuyên bố máy bay của mình bay trong không phận quốc tế”, chuyên gia Jason Gammel từ Jefferies cho biết.
Tuy nhiên, phía Iran nói rằng nước này đã bắn máy bay không người lái của Mỹ trên lãnh thổ của Tehran .
Các quan chức Iran nói với hãng tin Reuters hôm 21/6 rằng Tehran đã nhận được một tin nhắn từ Tổng thống Donald Trump thông báo rằng Mỹ sắp tiến hành tấn công quân sự Iran .
Tờ New York Times của Mỹ ngày 21/6 đưa tin, Tổng thống Donald Trump hôm 20/6 đã thông qua kế hoạch không kích hàng loạt mục tiêu của Iran như trận địa tên lửa và radar phòng không nhằm đáp trả việc Iran đã bắn hạ máy bay không người lái (UAV) RQ-4N của Mỹ. Tuy nhiên ông Trump đã thay đổi quyết định này vào phút chót.
Nguồn cung dầu mỏ tại Trung Đông đang bị đe dọa khi các lệnh trừng phạt của Mỹ chống Iran đã làm sụt giảm nguồn dầu xuất khẩu từ nhà sản xuất dầu lớn thứ 3 của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Công ty FGE Energy lưu ý: “Không còn nghi ngờ gì nữa, một sự gián đoạn nghiêm trọng đối với việc vận chuyển dầu qua khu vực Trung Đông dễ bị tổn thương này sẽ cực kỳ nghiêm trọng”.
Bên cạnh đó, các nhà phân tích của Jefferies cho rằng triển vọng nhu cầu đối với dầu mỏ cũng đã được cải thiện đáng kể. “Sự phấn khích đối với các tài sản rủi ro gia tăng trở lại sau khi các ngân hàng trung ương châu Âu và Mỹ báo hiệu có thể cắt giảm lãi suất trong tuần này”.
Ngoài ra, tỷ giá đồng USD suy yếu đã hỗ trợ tích cực cho đà đi lên của giá dầu vì dầu thô thường được giao dịch bằng đồng bạc xanh.
Một yếu tố kinh tế vĩ mô khác cũng tạo lực đẩy quan trọng cho giá “vàng đen” là kế hoạch nối lại các cuộc đàm phán thương mại của Bắc Kinh và Washington nhằm giải quyết cuộc chiến thuế quan vốn đà ảnh hưởng lớn đến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Lo ngại về việc tăng trưởng kinh tế chậm lại và tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã đẩy giá dầu lao dốc trong những tuần gần đây sau khi giá dầu Brent tăng vọt lên tới 75 USD/thùng hồi tháng 4, mức cao nhất kể từ đầu năm nay./.