Giá dầu chạm đỉnh 3 tháng khi Mỹ - Trung đạt thỏa thuận thương mại về nguyên tắc

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu thế giới tăng mạnh trong phiên ngày 13/12 nhờ tâm lý lạc quan đối với thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1.

Giá “vàng đen” tiếp tục leo dốc và chạm mức cao nhất trong 3 tháng trong ngày 13/12 khi Mỹ và Trung Quốc tiến sát việc đạt một thỏa thuận thương mại nhằm chấm dứt cuộc thương chiến kéo dài 18 tháng vốn gây áp lực lên nhu cầu dầu thô toàn cầu.
Giá dầu mỏ tăng mạnh trong ngày 13/12.
Các nguồn thạo tin ngày 12/12 cho biết Mỹ đã đồng ý giảm một số biện pháp thuế áp với hàng hóa của Trung Quốc và hoãn đợt áp thuế dự kiến có hiệu lực vào ngày 15/12 tới, trong khuôn khổ thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa hai cường quốc kinh tế thế giới. 
Đổi lại, Trung Quốc đồng ý mua nông sản Mỹ với tổng trị giá 50 tỷ USD, gấp đôi tổng giá trị nông sản Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ năm 2017. 
Chia sẻ trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh: "Đang tiến rất gần tới thỏa thuận lớn với Trung Quốc. Họ muốn điều này và chúng tôi cũng vậy!". 
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 48 xu Mỹ, tương đương 0,8%, lên 64,68 USD/thùng, ghi nhận mức cao nhất kể từ ngày 23/9.
Trong khi đó, giá dầu WTI của Mỹ nhích 36 xu Mỹ, tương đương 0,6%, lên 59,54 USD/thùng, cũng đạt mức đỉnh kể từ ngày 16/9.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định rằng một thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung nếu được ký kết sẽ tạo cú hích cho nhu cầu dầu mỏ, song thị trường có thể vẫn chịu tác động từ nguồn cung dồi dào trong thời gian tới.
Việc Mỹ và Trung Quốc nhất trí được các điều khoản trên giúp tránh đợt áp thuế lên số hàng hóa trị giá 160 tỷ USD mà Mỹ dự định triển khai từ ngày 15/12 tới và thu hẹp các biện pháp đang được áp dụng. Tuy nhiên, hiện hai bên chưa có thông báo chính thức về việc đạt được thỏa thuận về những điều khoản này.
Trong khi đó, báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố hôm 12/12 đã chỉ ra áp lực trong tương lai đối với giá “vàng đen” khi  dự đoán lượng dầu tồn kho dầu sẽ tăng mạnh bất chấp thỏa thuận cắt giảm sản lượng sâu hơn của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh.
Báo cáo của IEA trái ngược với nghiên cứu riêng của OPEC, dự báo thị trường dầu mỏ thế giới sẽ thiếu hụt nhẹ vào năm tới do Ả Rập Saudi hạn chế nguồn cung.
Chiến lược gia thị trường Stephen Innes tại AxiTrader nhận xét: “Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 có thể sẽ hạn chế đà suy giảm của giá dầu, song giá mặt hàng năng lượng này sẽ không thể tăng mạnh trong dài hạn do đối mặt với tình trạng dư cung vào đầu năm 2020”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần