Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu chạm đỉnh trong 3 năm do bất ổn tại Iran và nguồn cung thắt chặt

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong phiên giao dịch ngày 4/1, giá "vàng đen" thế giới giao dịch quanh mức cao nhất kể từ cuối năm 2014 nhờ nguồn cung hạn chế trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ở Iran và nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Cụ thể, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ ở mức 61,76 USD/thùng, tăng 13 xu Mỹ, so với mức đóng cửa của phiên giao dịch trước đó, không xa mức đỉnh 61,97 USD kể từ tháng 5/2015.
Giá dầu đạt mức cao nhất kể từ cuối năm 2014.
Giá dầu thô Brent giao sau giao dịch ở 67,82 USD/thùng, giảm 2 xu Mỹ nhưng vẫn gần mức cao nhất kề từ tháng 5/2015, khoảng 68,03 USD/thùng đạt được trong phiên giao dịch trước đó.
Cả hợp đồng dầu ngọt nhẹ WTI lẫn dầu Brent Biển Bắc đều đóng cửa tại mức cao nhất kể từ tháng 12/2014, dữ liệu từ Dow Jones cho thấy.
Các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu tăng mạnh lên mức cao nhất trong gần 3 năm trong phiên giao dịch này khi các cuộc biểu tình chống Chính phủ bùng nổ tại Iran, qua đó làm tăng lo ngại về khả năng gián đoạn sản lượng dầu thô từ nhà sản xuất dầu lớn thứ 3 của OPEC.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ngày 3/1 thông báo làn sóng bất ổn diễn ra tại nước Cộng hòa Hồi giáo trong gần 1 tuần qua đã kết thúc. Bạo loạn và đụng độ trong các cuộc biểu tình ở Iran đã khiến ít nhất 21 người thiệt mạng.
"Thị trường năng lượng thế giới rõ ràng đang ngày càng lạc quan khi lượng dầu tồn kho giảm gần với mức trung bình trong 5 năm. Sự bất ổn về địa chính trị ở Iran cũng đang hỗ trợ cho giá dầu", William O'Loughlin, nhà phân tích đầu tư tại Công ty chứng khoán Rivkin của Australia nhận định.
Tình trạng bất ổn tại Iran diễn ra trong bối cảnh giá dầu liên tục leo dốc trong vài tháng gần đây, nhờ rủi ro địa chính trị trên khắp Trung Đông, bao gồm Iraq, cũng như nhờ dự trữ toàn cầu sụt giảm và nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC.
Bên cạnh đó, một loạt số liệu kinh tế lạc quan của Đức và Mỹ cũng góp phần tạo nên sự khởi sắc của giá dầu. Tỷ lệ thất nghiệp của Đức đã rơi xuống mức thấp nhất trong tháng 12 vừa qua, qua đó củng cố đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.
Kinh tế Mỹ cũng phát đi tín hiệu tích cực khi hoạt động sản xuất tại các nhà máy tăng mạnh hơn dự đoán trong tháng 12. 
Tuy nhiên, đà tăng của sản lượng dầu đá phiến tại Mỹ đã hạn chế tác động tích cực từ nỗ lực tái cân bằng thị trường của OPEC.
Vào cuối phiên giao dịch, Viện dầu mỏ Mỹ (API) cho biết lượng dầu dự trữ của nước này đã giảm 5 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 29/12/2017.
Bộ Năng lượng Mỹ dự kiến sẽ công bố kết quả chính thức trong ngày hôm nay. Sản lượng dầu của Mỹ đã tăng gần 16% kể từ giữa năm 2016, lên 9,75 triệu thùng vào thời điểm cuối năm ngoái.