Giá dầu có tiếp tục leo dốc sau khi chạm mức đỉnh 70 USD/thùng?

Nguyễn Thu (Theo Financial Times)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường dầu thế giới đang khởi sắc, chỉ trong vòng 7 tháng, giá "vàng đen" đã tăng vọt từ dưới 45 USD/thùng lên 70 USD/thùng khiến nhiều nhà đầu tư hoài nghi phải chăng đây là ngưỡng cao nhất?

Giá dầu Brent trong phiên giao dịch tuần qua có thời điểm chạm mức 70 USD/thùng. Giá dầu đã tăng vọt lên mức đỉnh trong 3 năm qua từ dưới 45 USD/thùng khiến nhiều nhà đầu tư hoài nghi phải chăng ngưỡng 70 USD là ngưỡng giá đỉnh trong năm nay?
Chỉ trong vòng 7 tháng, giá dầu đã tăng vọt từ dưới 45 USD/thùng lên 70 USD/thùng. 
Lý do gây tâm lý thận trọng trên thị trường là việc sản lượng dầu đá phiến Mỹ liên tục tăng trong thời gian gần đây. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ có thể sớm vượt ngưỡng 10 triệu thùng/ngày khi tăng thêm 1,35 triệu thùng trong năm nay, trở thành nhà sản xuất dầu thô lớn nhất không thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Thậm chí, sản lượng dầu thô Mỹ có thể vượt Ả Rập Saudi trong năm nay. Sản lượng khai thác dầu thô của Mỹ hiện ở mức 9,75 triệu thùng/ngày.
Trước đây OPEC đã bày tỏ sự lo ngại rằng thời kỳ đen tối của thị trường dầu thô trong giai đoạn từ năm 2013 - 2015 có thể sẽ tái diễn. Thời điểm đó, giá dầu lao dốc từ mức 100 USD/thùng xuống còn 30 USD/thùng do sản lượng dầu thô Mỹ tăng mạnh.
Song, xu hướng phục hồi lần này của giá dầu thế giới lại có sự khác biệt khi nhu cầu năng lượng hiện đang tăng mạnh hơn so với giai đoạn 2010 - 2015.
Kinh tế toàn cầu tăng trưởng khả quan và giá dầu thấp được xem là nhân tố giúp lượng tiêu thụ nguồn năng lượng này tăng ít nhất 1,3 triệu thùng/ngày trong năm nay. Theo các nhà phân tích, đây chính là một trong những động lực chính giúp giá dầu tiếp tục đi lên trong năm 2018.
Bên cạnh đó, một số tổ chức khác dự đoán nhu cầu dầu thô tăng trưởng khoảng 2 triệu thùng/ngày trong năm nay, cao gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011 - 2014. Vì vậy, các quỹ đầu tư liên tục đánh cược giá dầu sẽ còn tăng cao hơn nữa trong năm nay.
Các nhà phân tích đánh giá việc giá dầu Brent giảm 2% trong tuần trước chỉ là đợt điều chỉnh giá chứ không phải là khởi đầu của xu hướng giảm.
Mặc dù vậy, lượng cung dầu thô ở một số nước vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. IEA cho rằng việc OPEC và các nước sản xuất dầu lớn khác thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng sẽ giúp tái cân bằng thị trường dầu toàn cầu trong năm nay, nhưng tình hình bất ổn ở Venezuela, quốc gia thành viên OPEC, tiếp tục đe dọa thị trường. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, sản lượng ở Venezuela giảm 490.000 thùng/ngày trong năm ngoái xuống mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua là 1,6 triệu thùng/ngày.
Các nhà phân tích đánh giá việc giá dầu Brent giảm 2% trong tuần trước chỉ là đợt điều chỉnh giá. 
IEA đưa ra cảnh báo: "Sản lượng ở Venezuela có thể tiếp tục giảm nhưng chúng tôi không dám chắc mức giảm sẽ là bao nhiêu".
Về phía OPEC, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khalid al-Falih cuối tuần qua kêu gọi các quốc gia khai thác dầu mỏ kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng sau năm 2018. Tuy nhiên, thay vì thực hiện thỏa thuận cắt giảm hiện tại, một thỏa thuận mới sẽ dùng để thay thế, theo Bộ trưởng Al-Falih.
"Chúng ta không nên giới hạn nỗ lực trong năm 2018. Chúng ta nên thảo luận những khung chính sách hợp tác trong dài hạn. Tôi đang đề cập đến việc kéo dài khung thỏa thuận cắt giảm sản lượng qua năm 2018", ông Al-Falih nhấn mạnh.
"Điều này không nhất thiết đồng nghĩa với việc chúng ta phải tuân thủ theo các giới hạn sản lượng hoặc mục tiêu sản lượng của từng quốc gia trong thỏa thuận đã ký kết hồi năm 2016. Thay vào đó, các nước sẽ cố gắng đảm bảo sự cân bằng giữa quyền lợi của các cổ đông, nhà đầu tư, người tiêu dùng và cộng đồng thế giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong thời gian tới ", Bộ trưởng Khalid Al-Falih nói thêm.
Trong phiên giao dịch ngày 24/1, giá dầu đi xuống trước số liệu báo cáo cho thấy lượng dự trữ dầu mỏ của Mỹ tăng mạnh.
Cụ thể, giá dầu thô Brent giao ngay, giao dịch ở mức 69,78 USD/thùng vào đầu phiên giao dịch, giảm 15 xu Mỹ so với mức đóng cửa của phiên trước đó.
Trong khi đó, dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ ở mức 64,41 USD/thùng, giảm 6 xu Mỹ so với phiên trước đó.
Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cho biết tồn kho dầu thô tăng 4,8 triệu thùng trong tuần trước, tính tới ngày 19/1, lên mức 416,2 triệu thùng sau 9 tuần sụt giảm. Tồn kho xăng tăng 4,1 triệu thùng trong khi hoạt động lọc dầu giảm 420.000 thùng/ngày.
Các thương nhân cho biết giá bị áp lực giảm bởi số liệu của Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô và xăng tăng.
Bên cạnh đó, tại châu Á, dư cung xăng đã khiến lợi nhuận lọc dầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015. Trong bối cảnh các chỉ số trên thị trường đang suy yếu, các thương nhân đang thực hiện các biện pháp để tự bảo vệ khả năng giá dầu thô giảm.
Nhìn chung, có nhu cầu nhiều hơn về các lựa chọn quyền để bán Brent hơn là các lựa chọn quyền mua Brent ở một mức giá nhất định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần