Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu có tuần tăng mạnh nhất từ tháng 6 khi OPEC+ chốt giảm thêm 500.000 thùng/ngày

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính chung trong tuần, giá dầu Brent tăng 6,5% và giá dầu WTI vọt 7,3%, chứng kiến mức tăng mạnh nhất trong một tuần kể từ tuần kết thúc vào ngày 21/6.

Giá “vàng đen” thế giới leo dốc mạnh trong phiên giao dịch ngày 6/12 sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh gồm Nga, còn gọi là nhóm OPEC+, quyết định cắt giảm sâu hơn sản lượng khai thác dầu mỏ từ năm tới.
Chốt phiên giao dịch, giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 77 xu Mỹ, tương đương 1,3%, đạt 59,2 USD/thùng. Tại thị trường London, giá dầu Brent tăng 1 USD/thùng, tương đương 1,6%, lên mức 64,39 USD/thùng.
 Giá dầu tăng mạnh trong tuần qua nhờ việc OPEC+ cắt giảm sản lượng sâu hơn.
Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của cả dầu WTI và Brent kể từ tháng 9. Tính cả tuần, giá dầu WTI tăng 7,3%, mức tăng mạnh nhất trong một tuần kể từ tuần kết thúc vào ngày 21/6. Giá dầu Brent tăng 6,5%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 20/9.
Kết thúc cuộc họp định kỳ về chính sách sản lượng diễn ra tại trụ sở của OPEC ở Vienna, Áo, OPEC+ hôm 6/12 nhất trí cắt giảm sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày đến hết tháng 3/2020. Như vậy, tổng mức cắt giảm sản lượng của khối từ ngày 1/1/2020 sẽ là 1,7 triệu thùng/ngày. OPEC và các đồng minh đã cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày từ đầu năm nay để hỗ trợ giá dầu.
Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Saudi Abdulaziz bin Salman, nói với các nhà báo rằng nước này sẽ gánh 167.000 thùng dầu/ngày trong phần sản lượng giảm thêm như quy định trong thỏa thuận. Ngoài ra, Bộ trưởng Abdulaziz cho biết Riyadh sẽ giảm sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày. Như vậy, tổng mức cắt giảm sản lượng thực tế của OPEC+ sẽ đạt 2,1 triệu thùng/ngày nếu các nước còn lại trong liên minh thực thi đúng cam kết.
Ả Rập Saudi - thủ lĩnh không chính thức của OPEC, nhắc lại yêu cầu rằng những nước đang khai thác dầu vượt hạn ngạch như Iraq và Nigeria phải tuân thủ đúng thỏa thuận. Ông Abdulaziz nói việc Ả Rập Saudi giảm thêm sản lượng sẽ tùy thuộc vào việc các quốc gia khác trong nhóm có thực hiện đúng thỏa thuận cắt giảm sản xuất hay không.
Trong một tuyên bố sau cuộc họp, OPEC+ cho biết sẽ rà soát lại hạn ngạch tại một cuộc họp bất thường dự kiến diễn ra vào ngày 5-6/3.
Một câu hỏi mà giới phân tích đặt ra lúc này là thỏa thuận giảm 1,7 triệu thùng dầu/ngày của OPEC+ sẽ kéo dài đến khi nào.
"Hiện vẫn chưa rõ số phân của thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong quý II/2020, nhất là khi Ả Rập Saudi đã đưa ra lập trường mới rằng họ có thể phá thỏa thuận nếu các quốc gia khác không tuân thủ đầy đủ", nhà phân tích Damien Courvalin của Goldman Sachs viết trong một báo cáo hôm 5/12.
Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác là mức độ tuân thủ thỏa thuận của các thành viên OPEC+. Hiện nay, nhiều nước trong liên minh như Iraq, Nigeria, và Nga đang khai thác vượt hạn ngạch, còn Ả Rập Saudi lại phải cắt giảm sản lượng nhiều hơn mức được phân bổ theo hiệp ước.
Nhà quản lý quỹ Paul Sankey của ngân hàng Mizuho nhận xét: "Thông điệp mà Ả Rập Saudi đưa ra là thỏa thuận cắt giảm sản xuất phải được tất cả các nước trong liên minh tuân thủ chặt chẽ"./.