Cụ thể, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 66 xu Mỹ xuống 70,7 USD/thùng, rời khỏi mức đỉnh trong 3,5 năm lên 71,89 USD hôm 10/5. Giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 7 giảm 35 xu Mỹ xuống 77,12 USD/thùng.
Sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đã ký với Tehran, Mỹ dự định sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Iran, quốc gia sản xuất lượng dầu chiếm khoảng 4% nguồn cung dầu toàn cầu.
Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Theresa May ngày 11/5 tái khẳng định ủng hộ thỏa thuận và nhất trí với Mỹ rằng cần tổ chức đàm phán về ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt tới các công ty hoạt động ở Iran.
Nhiều nhà phân tích dự đoán rằng giá dầu sẽ gia tăng khá đáng kể trong bối cảnh thị trường phải điều chỉnh trước khả năng xuất khẩu dầu của Iran suy giảm, trong khi nhu cầu - nhất là tại châu Á - vẫn cao.
Trong khi đó, các chuyên gia phân tích tại Commerzbank ngày 11/5 cho biết mức giá dầu thô hiện tại cho thấy Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hiện đang lấy lại sức mạnh giá, vốn đã mất sau sự bùng nổ sản lượng dầu đá phiến tại Mỹ khiến giá dầu lao dốc trong hơn 3 năm trước.
Ngân hàng đầu tư Jeffferies của Mỹ dự báo xuất khẩu dầu của Iran sẽ sụt 500.000 thùng vào tháng 10 năm nay, sau đó sẽ giảm bớt khoảng 1 triệu thùng vào nửa đầu năm 2019.
Trong quá khứ, các lệnh trừng phạt Iran đã khiến kim ngạch xuất khẩu dầu của nước này mất khoảng 1 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, do Liên minh châu Âu (EU) và một số nước khác quyết định vấn duy trì thỏa thuận, lệnh trừng phạt của Mỹ có thể chỉ ảnh hưởng đến khoảng 350.000 thùng/ngày, các nhà phân tích tại MUFG Bank cho biết.
Mặc dù vậy, đã có những dấu hiệu cho thấy một số nước thành viên OPEC sẵn sàng bù đắp bất kỳ sự thiếu hụt nào có thể xảy ra do hoạt động xuất khẩu dầu của Iran bị gián đoạn.Theo các nhà đầu tư, Kuwait và Iraq nhiều khả năng sẽ đủ sức tăng nhanh sản lượng để đảm bảo nguồn cung cho thị trường.
Ngoài OPEC, nguồn cung dầu thô ngày càng tăng từ Mỹ cũng sẽ góp phần bù đắp sự sụt giảm xuất khẩu từ Iran. Tổng số dàn khoan tại Mỹ hiện là 844, cao nhất kể từ tháng 3/2015. Sản lượng dầu của Mỹ đã đạt mức kỷ lục mới là 10,7 triệu thùng/ngày trong tuần trước, tăng 27% kể từ giữa năm 2016 đến nay. Số liệu này cho thấy sản lượng dầu của Mỹ đang tiến gần tới mức 11 triệu thùng/ngày của Nga - nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới.