Cụ thể, giá dầu Brent sụt 21 xu Mỹ, tương đương 0,5%, xuống 44,59 USD/ thùng, trong khi đó giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng mất 13 xu Mỹ, tương đương 0,3% về mức 41,88 USD/thùng.
Số ca nhiễm Covid-19 mới tăng đột biến ở Pháp và Italis vào cuối tuần qua khiến các nhà chức trách phải áp đặt một số biện pháp hạn chế mới. Điều này gây áp lực đến đà phục hồi của nhu cầu đối với dầu mỏ.
“Rõ ràng nguồn cung - cầu trên thị trường năng lượng khó có thể sớm được thắt chặt như dự đoán trước đó. Việc phục hồi nhu cầu dầu mỏ về mức bình thường sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến” – tổ chức ING Group cho biết.
Bên cạnh đó, thị trường “vàng đen” trong phiên đầu tuần còn chịu áp lực giảm giá lớn khi lo ngại về một cuộc “xung đột kinh tế” trên diện rộng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể diễn ra sẽ đẩy kinh tế toàn cầu vào một đợt khủng hoảng, suy thoái chưa từng có.
Tâm lý trên thị trường trở nên bi quan hơn sau khi hai cường quốc kinh tế thế giới hoãn cuộc họp trực tuyến cấp cao để đánh giá thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 dự kiến vào ngày 15/8, với lý do xung đột về lịch trình.
Ngoài ra, dữ liệu kinh tế tiêu cực của Nhật Bản - nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ tư thế giới, cũng gây áp lực lên giá dầu trong phiên này. Báo cáo mới nhất cho thấy tăng trưởng GDP của Nhật sụt giảm kỷ lục trong quý II.
Tuy nhiên, trong một tín hiệu tích cực, các công ty dầu khí quốc doanh Trung Quốc đã dự kiến đặt các tàu chở dầu để vận chuyển ít nhất 20 triệu thùng dầu thô của Mỹ trong tháng 8 và tháng 9.
Hãng tin Reuters ngày 14/8 đưa tin các doanh nghiệp dầu khí quốc gia Trung Quốc đã đặt lịch các tàu chở dầu vận chuyển ít nhất 20 triệu thùng dầu Mỹ trong các tháng 8 và tháng 9/2020.
Số liệu về việc Trung Quốc nhập khẩu lượng dầu cao kỷ lục đã hạn chế đà suy giảm của giá dầu trong phiên này.
Các nhà đầu tư hiện đang dõi theo cuộc họp của Ủy ban Giám sát chung cấp Bộ trưởng (JMMC), được thành lập bởi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, còn được gọi là OPEC+, dự kiến diễn ra vào ngày 19/8 tới, nhằm tìm kiếm thêm manh mối về nguồn cung dầu trong tương lai.
Nhóm OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng ở mức kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày kể từ tháng 5/2020 nhằm ứng phó với tác động của đại dịch Covid-19. Việc cắt giảm sản lượng này kéo dài đến cuối tháng 7, sau đó duy trì ở mức cắt giảm 7,7 triệu thùng/ngày cho đến tháng 12/2020.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh ngày 17/8 nói rằng OPEC đã vực dậy được đà giảm của giá dầu thô và ổn định thị trường dầu mỏ.
Trên trang tin SHANA của Bộ Dầu Mỏ Iran, ông Zanganeh nêu rõ nỗ lực của OPEC đã thành công do giá dầu đã tăng lên khoảng 45 USD/thùng, từ mức 16 USD/thùng trong tháng 5 vừa qua, và hiện giá dầu đã ổn định.
Tại Mỹ, số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên hoạt động vẫn neo ở mức thấp kỷ lục trong tuần thứ 15 liên tiếp trong tuần qua, ngay cả khi một số nhà sản xuất đã bắt đầu khôi phục hoạt động khai thác dầu khi giá dầu tăng.