Chủ nghĩa bảo hộ thương mại và căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và nhiều nước, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc đang tác động tiêu cực đến tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2018.
Triển vọng nhu cầu dầu mỏ có nguy cơ suy giảm mặc dù các biện pháp trừng phạt của Mỹ lên Iran khiến nguồn cung trên thị trường dầu toàn cầu được thắt chặt hơn.
Thị trường dầu thế giới cũng chịu áp lực giảm giá do sự bất ổn kinh tế tại các thị trường mới nổi do cuộc khủng hoảng tiền tệ tại Thổ Nhĩ Kỳ làm lu mờ triển vọng tăng trưởng nhu cầu năng lượng.
Cụ thể, giá dầu thô Brent giảm 10 xu Mỹ xuống còn 72,74 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng hạ 15 xu Mỹ, xuống 67,48 USD/thùng.
Cuộc khủng hoảng tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm tăng nguy cơ lan rộng tại các nền kinh tế mới nổi, đẩy đồng peso của Argentine hay rand của Nam Phi giảm giá mạnh do sức ép từ đồng lira. Đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ sụt giảm kỷ lục cũng khiến cổ phiếu của các thị trường mới nổi lao dốc, điều này kiềm chế tốc độ tăng trưởng kinh tế và triển vọng đối với nhu cầu dầu mỏ.
Các chuyên gia thuộc trung tâm môi giới Phillip Futures có trụ sở tại Singapore nhận định chủ nghĩa bảo hộ thương mại và căng thẳng leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ và Trung Quốc) đang “phủ mây đen” lên tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2018, bên cạnh tình trạng kinh tế bất ổn tại Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng lan khắp các thị trường mới nổi.
Thị trường “vàng đen” cũng thiếu lực đẩy để tăng giá trong phiên sau khi số liệu cho thấy số lượng giàn khoan dầu tại Mỹ tiếp tục gia tăng. Theo báo cáo của Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, các công ty sản xuất dầu tại Mỹ trong tuần trước đã bổ sung 10 giàn khoan, mạnh nhất kể từ tháng 5/2018, đưa tổng số giàn khoan lên 869 giàn. Đó là số lượng giàn khoan hoạt động lớn nhất kể từ tháng 3/2015.
Tuy nhiên, hiện vẫn có những yếu tố hỗ trợ tích giúp giá dầu không bị giảm sâu, đó là việc Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran khiến nguồn cung toàn cầu sẽ được thắt chặt.
Mỹ đã bắt đầu triển khai các lên trừng phạt mới lên Iran, trong đó lĩnh vực dầu mỏ của nước này dự kiến sẽ bị ảnh hưởng kể từ tháng 11 tới.
Iran là nước sản xuất dầu lớn thứ 3 trong Tổ chức Các Nước Xuất khẩu dầu (OPEC), xếp sau Ả Rập Saudi và Iraq, với sản lượng 3,65 triệu thùng/ngày trong tháng 7 vừa qua, thấp nhất kể từ tháng 4/2017.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trong báo cáo hàng tháng công bố tuần trước cũng xác nhận nguồn cung từ Iran tiếp tục giảm trong tháng 7. Các bên mua như Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ đã rút đơn đặt hàng.
Ngân hàng ANZ phân tích: "Sau khi Mỹ áp đặt trở lại lệnh cấm vấn với Iran... các nhà đầu tư đang tập trung theo dõi xem các biện pháp trừng phạt kinh tế này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến xuất khẩu dầu thô của Tehran.
Ngân hàng ANZ nhận định việc duy trì nguồn cung toàn cầu có thể là một thách thức bất chấp sản lượng khai thác dầu của Mỹ tiếp tục gia tăng.
"Có rất nhiều yếu tố tác động đến thị trường dầu mỏ trong thời gian tới, quan trọng nhất là tình hình khai thác và xuất khẩu dầu của Iran", ông Tamas Varga, nhà phân tích tại môi giới London PVM Oil Associates cho biết.
"Nếu xuất khẩu dầu của Iran giảm khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày, nguồn cung dầu trên thị trường có khả năng bị gián đoạn, điều này có thể đẩy giá dầu lên mức cao nhất đã thiết lập hồi tháng 5 vừa qua".