70 năm giải phóng Thủ đô

Giá dầu giảm sâu do lo ngại về làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu suy yếu trong phiên 24/6 do sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 mới đã dẫn đến sự không chắc chắn về triển vọng nhu cầu năng lượng.

Thị trường dầu mỏ giao dịch ảm đạm trong phiên này khi tâm lý lo ngại bùng phát dịch Covid-19 lần thứ hai làm lu mờ sự hỗ trợ từ việc tái khởi động kinh tế toàn cầu.
Cụ thể, giá dầu Brent lao dốc 47 xu Mỹ, tương đương 1,1%, xuống 42,16 USD/thùng. Trong những tuần gần đây, giá mặt hàng dầu này đã phục hồi mạnh sau khi chạm mức đáy dưới 16 USD/thùng trong tháng 4, song hiện vẫn thấp hơn 30% so với mức giá vào cuối năm 2019.
Trong khi đó, giá dầu WTI của Mỹ cũng sụt 59 xu Mỹ, tương đương 1,5%, xuống còn 39,78 USD/thùng.
Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng cao tại Mỹ, Trung Quốc, khu vực Mỹ Latinh và Ấn Độ đã khiến các nhà đầu tư gia tăng lo ngại về triển vọng nhu cầu đối với dầu mỏ suy yếu.
 Giá dầu tiếp tục giảm mạnh trong phiên 24/6.
“Đây là những quốc gia tiêu thụ dầu lớn, vì vậy làn sóng tái bùng phát dịch Covid-19 thứ hai cùng với các biện pháp hạn chế đi lại và đóng cửa hoạt động sản xuất sẽ ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế toàn cầu, kéo theo nhu cầu đối với nhiên liệu sụt giảm” - chuyên gia hàng hóa Stephen Brennock của trung tâm PVM nhận xét.
Bên cạnh đó, thị trường năng lượng trong phiên này chịu sức ép từ lượng tồn kho dầu của Mỹ tăng cao hơn dự báo.
Viện Xăng dầu Mỹ (API) ngày 23/6 công bố báo cáo cho thấy dự trữ dầu thô của nước này đã tăng 1,75 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 19/6. Theo API, dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 12/6 tăng 3,9 triệu thùng. Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ báo cáo mức tăng 1,2 triệu thùng..
Tuy nhiên, diễn biến này đã được bù đắp phần nào bởi sự sụt giảm lượng dự trữ xăng, làm dấy lên hy vọng vào sự phục hồi nhu cầu nhiên liệu khi nền kinh tế toàn cầu mở cửa trở lại.
Số liệu chính thức của Bộ Năng lượng Mỹ về dự trữ dầu thô sẽ được công bố vào cuối ngày 24/6 (theo giờ Mỹ).
Hoạt động tiêu thụ dầu mỏ đã bắt đầu phục hồi khi các nước dần dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa, trong bối cảnh Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, gọi là OPEC+, tiếp tục thực hiện cắt giảm sản lượng kỷ lục để đẩy giá dầu đi lên. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ giảm đáng kể sản lượng.
Về dài hạn, thị trường vẫn lo ngại khi lượng tồn kho dầu toàn cầu vẫn ở mức cao, trong khi nhu cầu có thể sụt giảm do đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ hai.
Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, dự báo sẽ hạn chế hoạt động mua dầu thô trong quý III/2020, sau khi mua vào một lượng dầu kỷ lục trong thời gian qua.
Mức nhập khẩu dầu mỏ của Ấn Độ trong tháng 5 đạt mức thấp nhất kể từ tháng 10/2011 do các nhà máy lọc dầu cắt giảm công suất./.