Giá dầu vọt lên mức đỉnh kể từ năm 2018 khi đóng cửa phiên ngày 5/7, sau khi các nước Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng đồng minh, còn gọi là OPEC+, chưa thể đạt được thỏa thuận nới lỏng sản lượng từ tháng 8 tới.
Cụ thể, giá dầu WTI của Mỹ cộng 1,56%, tương đương 1,17 USD, lên 76,33 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2018. Trong khi đó, giá dầu Brent cũng leo dốc 1,2%, tương đương 93 xu Mỹ, lên tới 77,10 USD/thùng.
Hội nghị cấp bộ trưởng của liên minh OPEC+, theo kế hoạch diễn ra ngày 5/7 đã bị hoãn và chưa có ngày dự kiến nối lại.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 5/7, Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo cho biết: “Ngày diễn ra cuộc họp tiếp theo của OPEC+ để thảo luận về chính sách sản lượng sẽ được quyết định trong thời gian thích hợp”.
OPEC+ đã thực hiện việc cắt giảm sản lượng kỷ lục gần 10 triệu thùng/ngày từ tháng 4/2020 nhằm hỗ trợ giá năng lượng trong bối cảnh khủng hoảng nhu cầu do đại dịch Covid-19.
Các cuộc đàm phán hôm 5/7 diễn ra sau khi OPEC+ hoãn đàm phán trong tuần trước, khi Ả Rập Saudi kiên quyết nâng sản lượng từ tháng 8/2021 và gia hạn thỏa thuận tới cuối năm 2022. Tuy nhiên, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) chỉ ủng hộ gia tăng sản lượng trong ngắn hạn và yêu cầu có những điều khoản tốt hơn cho việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng sang năm 2022.
"Đối với chúng tôi, đó không phải là một thỏa thuận tốt", Bộ trưởng Năng lượng và Cơ sở hạ tầng UAE Suhail Al Mazrouei nói với CNBC hôm 4/7 vào Chủ nhật. Ông Al Mazrouei nói thêm rằng UAE sẽ ủng hộ việc tăng nguồn cung trong ngắn hạn, nhưng muốn có các điều khoản tốt hơn nếu chính sách được gia hạn đến năm 2022.
Kể từ tháng 5 vừa qua, OPEC+ đã nâng dần sản lượng dầu, sau khi cắt giảm kỷ lục trong hơn 1 năm do dịch Covid-19. Đề xuất hiện tại của OPEC+ là tăng dần sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày từ tháng 8 đến tháng 12 năm nay.
Bất đồng chính giữa Ả Rập Saudi và UAE là vấn đề mức sản lượng “cơ sở” mà các nước thành viên OPEC+ dựa vào đó để cắt giảm hay gia tăng sản lượng.
Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail Mohamed Al-Mazrouei cho rằng mức cơ sở hiện tại gần 3,2 triệu thùng/ngày của nước này là quá thấp và cần phải tăng lên 3,8 triệu thùng/ngày nếu gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Mức sản lượng cơ sở cao hơn đồng nghĩa mức cắt giảm sản lượng thực tế thấp hơn.
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Abdulaziz bin Salman phản đối yêu cầu nói trên và từ chối nhượng bộ với Abu Dhabi. Ông Abdulaziz bin Salman nhấn mạnh việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2022 là cần thiết để bình ổn thị trường năng lượng.
Việc OPEC+ chưa thống nhất về thỏa thuận tăng sản lượng sẽ càng siết chặt thị trường hơn, đẩy giá dầu tăng vọt, từ đó đe dọa sự phục hồi còn yếu ớt của nền kinh tế toàn cầu từ đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, sự bế tắc này còn có nguy cơ làm tan rã liên minh của OPEC+, điều có thể gây ra một "cuộc chiến" về giá làm tổn hại đến nền kinh tế thế giới.
Giá dầu hiện đã tăng hơn 50% trong nửa đầu năm 2021 nhờ quá trình tiêm chủng vaccine Covid-19 trên diện rộng giúp vực dậy nhu cầu, cùng với việc giảm nguồn cung của OPEC+. Tuy nhiên, việc giá “vàng đen” liên tục tăng và lập đỉnh gần 3 năm đã làm dấy lên lo ngại về tác động tiêu cực đối với kinh tế toàn cầu.
Các nhà phân tích tại TD Securities nhận định: “Sản lượng không tăng trong khi nhu cầu phục hồi mạnh, chắc chắn thị trường năng lượng toàn cầu sẽ được thắt chặt với tốc độ nhanh hơn dự đoán. Sự bế tắc của OPEC+ sẽ dẫn đến thâm hụt nguồn cung dầu lớn hơn nhiều so với dự đoán, điều này sẽ đẩy giá dầu tiếp tục bùng nổ”.