Giá dầu chứng kiến 2 phiến giảm liên tiếp trong ngày 14 và 15/10 khi những tranh chấp thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm gia tăng lo lắng về khả năng xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu, qua đó làm giảm nhu cầu về dầu.
Trong tuần trước, Washington và Bắc Kinh đã đạt được thỏa thuận Giai đoạn 1 hướng tới chấm dứt cuộc chiến thương mại. Hiện các nhà đàm phán của Mỹ và Trung Quốc đang xúc tiến soạn thảo văn bản thỏa thuận để lãnh đạo hai nước ký trong tháng tới. Thị trường năng lượng thế giới đang theo dõi sát diễn biến mới nhất để tìm kiếm thêm những chỉ dấu về phương hướng của các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Sang ngày 16/10, giá dầu phục hồi nhờ kỳ vọng về việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng tại cuộc họp vào đầu tháng 12 tổ chức ở Vienne (Áo) đã hỗ trợ thị trường năng lượng.
Đà tăng giá được kéo dài sang phiên 17/10 khi số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy lượng xăng dự trữ của nước này đã giảm 2,6 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 11/10. Giá dầu Brent và WTI phiên này đều tăng khoảng 1%.
Bên cạnh đó, giá “vàng đen” khởi sắc trong phiên này sau khi có thông tin rằng Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đạt đạt một thỏa thuận ngừng bắn tại Syria, tạm thời xoa dịu căng thẳng ở Trung Đông.
Trong khi đó, một thỏa thuận Brexit dự kiến cũng làm tăng sức hấp dẫn của các tài sản rủi ro, mặc dù thỏa thuận này vẫn phải được Quốc hội Anh và các nước thành viên khác của Liên minh châu Âu (EU) thông qua.
Đến phiên giao dịch ngày 18/10, giá dầu lại giảm nhẹ, xóa sạch đà tăng trước đó để góp phần vào đà suy giảm trong tuần qua, khi dữ liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc đã làm tăng lo ngại về sự suy yếu nhu cầu dầu. Trong khi đó, báo cáo gần đây cho biết dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng 5 tuần liên tiếp.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc hôm 18/10 công bố dữ liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế nước này chậm hơn dự báo. Tăng trưởng GDP đạt 6% trong quý III, mức thấp nhất trong 27 năm.
Tăng trưởng nhu cầu dầu thường theo chân các xu hướng tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nhà phân tích thị trường cấp cao Jeffrey Halley thuộc OANDA cho biết điều này không xảy ra ở Trung Quốc. Số liệu chính thức của Trung Quốc công bố ngày 18/10 cho thấy hoạt động lọc dầu tăng mạnh trong tháng 9 với mức tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái lên 56,49 triệu tấn.
Tuy nhiên, sự hỗ trợ từ tiến triển liên quan đến các thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung và Brexit, cũng như sự sụt giảm dự trữ các sản phẩm xăng tại Mỹ đã kìm hãm đà suy giảm của giá dầu trong phiên này.
Chốt phiên giao dịch ngày 18/10, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ lùi 15 xu Mỹ, tương đương 0,3%, xuống 53,78 USD/thùng, qua đó góp phần nâng tổng mức giảm trong tuần lên 1,7%.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 12 trên sàn London mất 49 xu Mỹ, khoảng 0,8%, xuống còn 59,42 USD/thùng. Tính chung trong tuần, giá dầu Brent sụt 1,8%.
“Hiện tại, có vẻ như giá dầu đã ổn định trong vài tuần qua”, chuyên gnia phân tích Fawad Razaqzada tại Forex.com, nhận định. “Trong thời gian này, chúng ta cũng thấy chứng khoán tăng đáng kể nhờ kết quả lạc quan về tình hình đàm phán thương mại Mỹ - Trung và tiến triển Brexit”.
Ngoài ra, thông tin từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố hôm 17/10 đã làm gia tăng sức ép trên thị trường dầu mỏ thế giới. EIA cho biết lượng dầu thô dự trữ tại các kho của nước này đã tăng 9,3 triệu thùng trong tuần trước do sản lượng lọc dầu giảm xuống mức thấp hai tuần. Trước đó, OPEC đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2019 xuống 980.000 thùng/ngày, trong khi giữ nguyên ước tính cho năm 2020 là 1,08 triệu thùng/ngày.
Ngoài ra, dữ liệu từ Baker Hughes công bố ngày 18/10 cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ tăng tuần thứ 2 liên tiếp./.