Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu lao dốc chạm mức đáy 7 tháng do leo thang căng thẳng thương mại

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu đi xuống trong phiên 7/8 khi căng thẳng thương mại Trung - Mỹ tiếp tục tác động tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu năng lượng.

Cụ thể, giá dầu Brent sụt 11 xu Mỹ, tương đương gần 2%, chứng kiến mức thấp nhất trong 7 tháng. Giá dầu thế giới đã lao dốc hơn 20% kể từ khi thiết lập mức cao nhất từ đầu năm nay hồi tháng 4 vừa qua.
Giá dầu tiếp tục giảm trong phiên 7/8.
Giá mặt hàng dầu này đã giảm hơn 9% trong tuần qua sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ tăng thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc kể từ 1/9, và Bắc Kinh tuyên bố ngừng nhập khẩu nông sản của Mỹ.
Các nhà phân tích của ING nhận xét: “Thị trường năng lượng tiếp tục chịu áp lực khi triển vọng nhu cầu đối với dầu mỏ có thể suy yếu do cuộc tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang nghiêm  trọng.
Ngân hàng này cũng hạ triển vọng phục hồi của giá dầu trong năm nay, chủ yếu là do lo ngại về nhu cầu, đồng thời dự báo nguồn cung dầu toàn cầu sẽ vượt quá nhu cầu trên thị trường năng lượng trong nửa đầu năm 2020.
Giá dầu suy yếu trong phiên giao dịch sau khi dữ liệu dự báo rằng nhiều khả năng sản lượng khai thác dầu đá phiến của Mỹ sẽ tăng. Dữ liệu chính thức từ Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ được công bố trong ngày 7/8.
Chính phủ Mỹ dự đoán mức tăng sản lượng dầu ở Perminan Basin và các khu vực khai thác dầu đá phiến sẽ bù đắp phần lớn sự sụt giảm sản lượng ở khu vực Vịnh Mexico do bão Barry. Sản lượng dự kiến ​​sẽ tăng 1,28 triệu thùng/ngày, lên mức 12,27 triệu thùng/ngày trong năm nay.
Trong khi đó, đối với nguồn cung của thị trường dầu, Iran cảnh báo sẽ ngăn chặn tất cả hoạt động xuất khẩu năng lượng qua Eo biển Hormuz, nơi 20% lượng dầu của thế giới được vận chuyển qua - nếu Tehran không thể bán dầu như đã được các bên cam kết trong Thỏa thuận hạt nhân Iran ký hồi tháng 7/2015.
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khalid Al-Falih và người đồng cấp Mỹ Rick Perry hôm 6/8 đều bày tỏ mối quan ngại về các mối đe dọa nhắm vào tự do giao thông hàng hải ở vùng Vịnh.
Chiến lược gia thị trường Michael McCarthy của CMC cho biết, hiện đang gia tăng lo ngại rằng sự cố đối với tàu chở dầu trong khu vực  Trung Đông có thể xảy ra bất cứ lúc nào.