Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu leo dốc gần 1% nhờ OPEC+ tuân thủ chặt thỏa thuận giảm cung kỷ lục

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu quay đầu đi lên nhờ thông tin cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh, trong khi OPEC+ tuân thủ cam kết cắt giảm sản lượng.

Giá dầu quay đầu đi lên trong phiên 15/7.
Cụ thể, giá dầu Brent cộng 22 xu Mỹ, tương đương 0,5%, lên mức 43,12 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng tăng 23 xu Mỹ, khoảng 0,6%, giao dịch ở mức 40,52 USD/thùng.
Chốt phiên giao dịch ngày 14/7, giá dầu thô Brent sụt khoảng 0,6%, xuống 42,40 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI hạ gần 0,9%, xuống mức 39,86 USD/thùng.
Thị trường năng lượng giao dịch khởi sắc trở lại trong phiên này nhờ được hỗ trợ bởi thông tin từ Viện Dầu khí Mỹ (API) cho biết lượng tồn trữ dầu thô của nước này trong tuần qua giảm nhiều hơn dự kiến.
Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ dự kiến sẽ công bố các số liệu chính thức trong ngày 15/7 (theo giờ địa phương).
Kết quả thăm dò sơ bộ của Reuters cho thấy các nhà phân tích ước tính sơ bộ rằng tồn trữ xăng ở nước này đã giảm 600.000 thùng, trong khi tồn trữ dầu thô giảm 2,1 triệu thùng trong tuần qua.
“Số liệu tồn kho dầu của Mỹ do API công bố đã hỗ trợ tích cực cho đà phục hồi của giá dầu trong phiên giao dịch” - các chuyên gia kinh tế tại ING nhận định.
Về nguồn cung “vàng đen”, thông tin mới nhất cho thấy, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng đồng minh, dẫn đầu là Nga, được gọi là nhóm OPEC+, trong tháng 6 vừa qua đã tuân thủ 107% thỏa thuận cắt giảm sản lượng gần 10 triệu thùng được thực hiện từ đầu tháng 5.
Báo cáo hàng tháng của OPEC vừa công bố dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 7 triệu thùng/ngày vào năm tới, nhưng vẫn chưa về mức trước Covid-19.
Thị trường đang chờ đợi thông tin về việc OPEC+ sẽ quyết định kéo dài thời gian cắt giảm sâu sản lượng, sau khi Ủy ban Giám sát OPEC kết thúc kỳ họp vào ngày 15/7.
Các chuyên gia kinh tế tại ING Economics cho biết thị trường đang hồi hộp để xem liệu OPEC+ có nới lỏng thỏa thuận cắt giảm nguồn cung thêm một tháng nữa không, hay liệu liên minh này có bám sát kế hoạch ban đầu và cắt giảm các cam kết hạn chế sản lượng của mình.
Hầu hết các dấu hiệu cho thấy rằng OPEC sẽ lựa chọn kịch bản sau, tập trung nhiều hơn vào việc tuân thủ và áp đặt cắt giảm sản lượng đền bù.
Theo thỏa thuận hiện tại, OPEC+ sẽ hạ mức cắt giảm sản lượng từ 9,7 triệu thùng/ngày xuống 7,7 triệu thùng/ngày trong giai đoạn tháng 8-12/2020.