Kết thúc phiên 9/4, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao dịch ở mức 62,31 USD/thùng, tăng 25 xu Mỹ, tương đương 0,4% so với phiên trước đó. Giá dầu Brent tương lai ở mức 67,42 USD/thùng, tăng 31 xu Mỹ, khoảng 0,5%.
Giá dầu thế giới đã giảm khoảng 2% trong phiên cuối tuần trước sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu Bộ Thương mại gia tăng áp lực thuế quan với các mặt hàng nhập từ Trung Quốc. Chỉ thị này tiếp tục gia tăng căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, làm ảnh hưởng đến sức tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Chuyên gia Stephen Innes của công ty OANDA tại Singapore nhận định: "Tình hình căng thẳng thương mại leo thang có thể gây ảnh hưởng đến đà tăng trưởng toàn cầu, tác động tiêu cực đến thị trường năng lượng thế giới. Nhưng điều thực sự gây quan ngại là Trung Quốc có thể sẽ đánh thuế dầu nhập khẩu từ Mỹ".
Bên cạnh đó, thị trường dầu cũng chịu áp lực từ hoạt động khoan dầu của Mỹ, khi các công ty năng lượng của nước này đã thêm 11 giàn khoan, lên 808 giàn, mức cao nhất kể từ tháng 3/2015, theo số liệu của công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes.
Mặc dù các yếu tố bất lợi trên, giá dầu trong dài hạn vẫn được hỗ trợ bởi nhu cầu mạnh cũng như việc hạn chế nguồn cung của các thành viên trong và ngoài OPEC để hạn chế tình trạng dư cung toàn cầu và hỗ trợ giá. "Giá dầu bị ảnh hưởng từ bất đồng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ trong những tuần qua. Tuy nhiên, thị trường nhiên liệu vẫn nhận được sự hỗ trợ quan trọng khi OPEC dự định kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến năm 2019", Công ty Phillip Futures có trụ sở Singapore cho biết.
Ngoài ra, Iraq, nhà sản xuất dầu lớn thứ 2 của OPEC, ngày 9/4 cho biết họ sẽ giữ nguyên giá các nguồn cung dầu thô trong tháng 5.