Phiên giao dịch vừa qua đánh dấu mốc giá dầu tiêu chuẩn của Mỹ lần đầu tiên sau hơn một năm lên mức 95 USD/thùng - sau khi dự trữ tại trung tâm lưu trữ lớn của quốc gia này giảm xuống mức nghiêm trọng. Những diễn biến đã cho thấy rõ hơn bức tranh về tình trạng thâm hụt nguồn cung toàn cầu ngày càng gia tăng.
Cụ thể, giá dầu ngọt nhẹ WTI đã nhanh chóng vượt lên trên ngưỡng sau khi tăng 3,6% vào ngày 27/9, mức tăng lớn nhất kể từ đầu tháng 5. Trong khi đó, lượng dầu tồn kho tại Cushing, Oklahoma - điểm phân phối dầu tiêu chuẩn của Mỹ - giảm chỉ dưới 22 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm 2022 và gần đạt mức tối thiểu để duy trì hoạt động.
Amrita Sen, nhà đồng sáng lập - kiêm trưởng bộ phận nghiên cứu tại công ty tư vấn Energy Aspects, nhận định với Bloomberg TV: “Nỗi lo sợ của tôi ở thị trường này là lượng hàng tồn kho bị giảm bớt quá nhiều”. “Ngay bây giờ, những gì đang diễn ra ở Mỹ là mức dự trữ quá thấp".
Theo dữ liệu chính thức công bố hôm 27/9, tổng lượng tồn kho dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến, cung cấp bằng chứng cho thấy thị trường đang thắt chặt nhanh chóng do việc cắt giảm nguồn cung từ Ả Rập Saudi và Nga.
Giá dầu ngọt nhẹ WTI đã tăng khoảng 1/3 kể từ cuối tháng 6 và đang trên đà đạt mức tăng theo quý lớn nhất kể từ đầu năm 2022, thúc đẩy lạm phát và gây ra những cơn đau đầu mới cho các ngân hàng trung ương.
Đầu tháng này, OPEC dự báo thâm hụt dầu thô lên tới 3 triệu thùng/ngày trong quý IV. Với nhu cầu ở Mỹ và Trung Quốc vẫn đang duy trì ở mức cao, các nhà quan sát và phân tích thị trường hiện coi dầu ở mức 100 USD/thùng là viễn cảnh không thể tránh khỏi, ngay cả khi đồng bạc xanh tăng giá và lo ngại về lãi suất toàn cầu ở mức cao vẫn hiện hữu.
Warren Patterson, trưởng phòng chiến lược hàng hóa tại ING Groep NV, cho biết: “Việc dầu Brent phá vỡ ngưỡng 100 USD/thùng chỉ là vấn đề thời gian”. “Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng bất kỳ sự đột phá nào cũng sẽ tồn tại trong khoảng thời gian tương đối ngắn, do áp lực ngày càng tăng có thể sẽ đặt lên OPEC+ để thúc đẩy khối đi tới quyết định tạm thời không cắt giảm nguồn cung”.
Sự thắt chặt của thị trường dầu cũng đang được phản ánh trên đường cong tương lai của nhiên liệu này. Mức chênh lệch ngay lập tức của dầu WTI đã tăng lên 2,44 USD/thùng trong cơ cấu dự phòng tăng giá từ mức chỉ 61 xu vào giữa tuần trước. Giao dịch quyền chọn cũng đang cho thấy mối lo ngại về sự dao động giá lớn hơn.
Các kho dự trữ tại Mỹ đã suy giảm trong bảy tuần liên tiếp và nhiều doanh nghiệp cho rằng chúng đã ở mức thấp nhất để các bể chứa có thể hoạt động bình thường. Nguồn cung vào phút cuối từ các trung tâm dự trữ ngày càng trở nên đắt đỏ và dầu thô của Mỹ đang trở nên quá đắt đối với người mua nước ngoài.