Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu Mỹ nhảy vọt hơn 8% nhờ tâm lý lạc quan về triển vọng nhu cầu

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu Brent chạm đỉnh 1 tháng, giá dầu WTI của Mỹ vượt mức 31 USD/thùng trong ngày 18/5 nhờ những dấu hiệu cho thấy nhu cầu nhiên liệu đang phục hồi.

Thị trường dầu mỏ giao dịch khởi sắc trong phiên này với dầu Brent leo dốc gần 2 USD trong bối cảnh nhà đầu tư lạc quan về việc nhiều nước tái khởi động nền kinh tế và nỗ lực cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất dầu chủ chốt. 
Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng vọt hơn 8% trong ngày 18/5.
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 1,99 USD, tương đương 6,1%, lên 34,49 USD/thùng vào lúc 1041 GMT, mức cao nhất kể từ giữa tháng 4.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cộng 2,46 USD, tương đương 8,4% ở mức 31,89 USD/thùng, chạm đỉnh kể từ giữa tháng 3.
Các nhà phân tích cho rằng nhu cầu đối với nhiên liệu trong lĩnh vực giao thông-vận tải đang dần tăng lên khi chính phủ các nước nới lỏng lệnh phong tỏa, và điều này sẽ hỗ trợ cho giá dầu.
Paola Rodriguez Masiu, nhà phân tích thị trường dầu cao cấp của Rystad Energy nhận xét: “Giá dầu có thể tăng mạnh hơn nữa khi chính phủ các nước nới lỏng các lệnh phong tỏa và biện pháp giãn cách xã hội được áp đặt trước đó nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, đà tăng mạnh của giá “vàng đen” trong phiên này chủ yếu nhờ nhận được sự hỗ trợ từ việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và một số quốc gia sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+, cắt giảm gần 10 triệu thùng/ngày từ đầu tháng này. Ả Rập Saudi - quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới, tuần trước thông báo sẽ cắt giảm sản lượng thêm một triệu thùng/ngày trong tháng 6/2020, trong khi OPEC+ mong muốn duy trì các mức cắt giảm sản lượng hiện nay sau tháng 6/2020, khi tổ chức này tiến hành cuộc họp tiếp theo.
Giá dầu WTI giao tháng 6/2020 hết hạn vào ngày 19/5 song hiện ít có dấu hiệu cho thấy giá dầu WTI sẽ phải chứng kiến thêm một phiên lao dốc kỷ lục về mức âm lần đầu tiên trong ngày 20/4.
Trong khi đó, sản lượng dầu của Mỹ đang giảm khi các công ty năng lượng Mỹ cắt giảm số giàn khoan dầu và khí đốt xuống mức thấp kỷ lục trong tuần thứ hai liên tiếp. Số liệu này góp phần giảm bớt những quan ngại về tình trạng kho chứa dầu WTI  tại Cushing, Oklahoma (Mỹ) hết công suất chứa.

Còn theo tờ báo Al Rai newspaper của Kuwait, Kuwait và Ả Rập Saudi đã nhất trí giảm sản lượng của mỏ dầu Al-Khafji mà hai nước khai thác chung trong 1 tháng, kể từ ngày 1/6.
“Nhờ việc cắt giảm mạnh nguồn cung bổ sung của Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Kuwait cùng với đà sụt giảm của sản lượng dầu mỏ của Mỹ, thị trường nhiên liệu có thể khôi phục được tình trạng cân bằng giữa cung và cầu ngay từ tháng 6 tới” - nhà phân tích Carer Fritsch của Commerzbank cho biết.
Tâm lý tích cực trên thị trường cũng được cải thiện sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell đưa ra triển vọng lạc quan của đà phục hồi kinh tế vào cuối năm nay. Theo Chủ tịch Powell, nếu không xảy ra đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ hai thì kinh tế Mỹ sẽ hồi phục dần trong nửa cuối năm 2020.