Giá dầu phục hồi mạnh trong phiên này trong bối cảnh các thương nhân đang đánh giá xem liệu các gói kích thích kinh tế của các nước nhằm hạn chế tác động của dịch Covid-19 có giúp cải thiện nhu cầu đối với mặt hàng nhiên liệu hay không.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát đi tín hiệu hỗ trợ gói kích thích trị giá 1.000 tỷ USD hoặc nhiều hơn, bao gồm thanh toán trực tiếp cho các cá nhân và những gói cứu trợ cho các ngành công nghiệp.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), sau khi hạ lãi suất xuống gần bằng 0 hôm 15/3), đến ngày 17/3 đã công bố một kênh phát hành thương phiếu nhằm cung cấp trạm dừng thanh khoản cho thị trường.
Thượng viện Mỹ ngày 18/3 đã thông qua dự luật dự luật trị giá 104 tỷ USD với các điều khoản chi trả bảo hiểm thất nghiệp, cho phép người lao động Mỹ nghỉ phép hưởng lương trong tình huống khẩn cấp và được xét nghiệm miễn phí virus SARS-CoV-2. Theo đó, người lao động vẫn được chi trả cho số ngày nghỉ ốm tối đa là 10 ngày. Đây là gói hỗ trợ thứ hai mà Quốc hội Mỹ thông qua trong bối cảnh gia tăng lo ngại về sự bùng phát của dịch Covid-19 khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới có khả năng rơi vào suy thoái.
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 1,06 USD, tương đương 4,3% lên mức 25,94 USD/thùng sau khi nhảy vọt lên tới 27,19 USD ở đầu phiên giao dịch ngày 19/3. Giá mặt hàng dầu này đã lao dốc 13% và chứng kiến phiên giảm thứ 3 liên tiếp do đà bán tháo tăng mạnh.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ bật tăng 2,11 USD, tương đương 10,4%, lên 22,48 USD/thùng. Giá dầu WTI đã lao dốc gần 25% trong phiên trước đó.
Ngày 18/3, Hội đồng quản trị Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) thông báo ECB sẽ tung ra chương trình khẩn cấp mua trái phiếu trị giá lên tới 750 tỷ euro đến hết năm 2020 nhằm ứng phó với các rủi ro nghiêm trọng đối với cơ chế chuyển giao chính sách tiền tệ và triển vọng Khu vực đồng euro (Eurozone) do dịch Covid-19 gây ra.
Trong khi đó, tại châu Á, Nhật Bản cũng đang xem xét hỗ trợ tiền mặt cho các hộ gia đình vì nền kinh tế nước này có thể đối mặt đợt suy thoái trong năm nay.
Edward Moya - nhà phân tích thị trường cao cấp tại OANDA ở New York nhận định: “Các gói kích thích tài chính và tiền tệ chưa thể ngay lập tức giúp phục hồi nhu cầu năng lượng trở lại mức bình thường, song điều này sẽ tạo niềm tin rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ sớm phục hồi sau khi chịu cú sốc lớn từ dịch Covid-19”.
Tuy nhiên, giới phân tích và các nhà đầu tư cho rằng đà phục hồi trong phiên này có thể chỉ là tạm thời, trong bối cảnh thị trường năng lượng đang chịu áp lực rơi vào tình trạng dư thừa nguồn cung sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh thất bại trong việc đàm phán về thỏa thuận cắt giảm sản lượng hồi đầu tháng này.
Giá dầu ngọt nhẹ WTI đã giảm sâu và chạm mức đáy kể năm 2002 trong phiên ngày 18/3, khi một số nước tiếp tục thực hiện lệnh phong tỏa toàn quốc để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19. Điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát, giá dầu WTI đã dao động quanh mức thấp nhất kể từ tháng 3/1999, theo dữ liệu từ Dow Jones Market.
“Dầu mỏ hiện đang là một trong những hàng hóa chịu thiệt hại nặng nề nhất từ sự phùng phát dịch Covid-19”, chuyên gia cấp cao Lukman Otunuga tại FXTM nhận định. “Giá dầu WTI và Brent đều lao dốc 60% kể từ đầu năm đến nay và có thể nới rộng đà lao dốc khi dịch bệnh đang đe dọa triển vọng nhu cầu nhiên liệu sụt mạnh”.
“Cuộc đua đẩy mạnh sản lượng đang diễn ra giữa Nga và Ả Rập Saudi đang góp phần làm tăng lo ngại về tình trạng dư cung”, chuyên gia Otunuga cho hay.
Ả Rập Saudi, nhà lãnh đạo chính thức của OPEC, tuyên bố sẽ bơm lượng dầu kỷ lục tới 12,3 triệu thùng/ngày ra thị trường trong nhiều tháng, đồng thời giảm mạnh giá xuất khẩu dầu mỏ.
Trung tâm Jefferies cảnh báo nguồn cung dầu mỏ toàn cầu có thể dư thừa khoảng 4,0 triệu thùng/ngày từ 1/4 tới, điều này khiến giá dầu có thể tiếp tục lao dốc mạnh./.