Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu phục hồi ấn tượng nhờ Phố Wall leo dốc mạnh và OPEC

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá “vàng đen” tiếp tục tăng trong ngày 16/1 nhờ phiên tăng mạnh của chứng khoán Mỹ và thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nước thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và đồng minh.

Tuy nhiên, đà leo dốc của giá dầu trong phiên giao dịch này bị hạn chế bởi số liệu cho thấy lượng dự trữ các chế phẩm dầu mỏ đang gia tăng tại Mỹ và sản lượng dầu thô đang ở mức cao kỷ lục. 
Cụ thể, chốt phiên ngày 16/1, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 68 xu Mỹ lên 61,32 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 20 xu Mỹ lên mức 52,31 USD/thùng. 
Trong phiên này, 3 chỉ số chính trên thị trường Phố Wall chạm mức đỉnh trong 1 tháng, qua đó thúc đẩy giá dầu. Giá năng lượng thế giới  cũng có phiên biến động theo những diễn biễn trên thị trường chứng khoán thế giới.
Ngoài ra, giá dầu còn được hỗ trợ bởi thỏa thuận của các thành viên trong và ngoài OPEC cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 1 năm nay.
Thứ trưởng Năng lượng Nga cho biết nước này sẽ đạt được mục tiêu cắt giảm trong tháng 4 tới. 
 Giá dầu tiếp tục tăng trong phiên 16/1.
Mặc dù vậy, thị trường năng lượng vẫn chịu áp lực từ sản lượng dầu thô của Mỹ tiếp tục tăng mạnh. Nhà đầu tư lo rằng nguồn cung dầu dồi dào của Mỹ có thể sẽ xói mòn những nỗ lực hỗ trợ giá dầu của OPEC và các đồng minh, dẫn đầu là Nga.
Số liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cho biết tồn kho các sản phẩm hóa dầu của nước này tăng tuần thứ 4 liên tiếp, với mức tăng cao hơn dự báo. Thông tin này gây áp lực giảm đối với giá dầu, dù tồn kho dầu thô của Mỹ theo số liệu mà EIA đưa ra giảm nhiều hơn dự báo.
Dự trữ xăng tăng 7,5 triệu thùng, so với dự báo tăng 2,8 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra. Ở mức 255,6 triệu thùng, dự trữ xăng của Mỹ tuần qua đạt mức cao nhất kể từ tháng 2/2017.
Dự trữ các sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi, tăng 3 triệu thùng, so với mức dự báo tăng 1,6 triệu thùng. Dự trữ dầu thô giảm 2,7 triệu thùng, nhiều gấp đôi mức dự báo.
"Tồn kho các sản phẩm hóa dầu tăng mạnh là một nhân tố gây áp lực giảm giá dầu, làm mất đi hiệu ứng hỗ trợ giá dầu từ số liệu tồn kho dầu thô sụt giảm", nhà phân tích cấp cao Carsten Fritsch thuộc Commerzbank nhận định.
Báo cáo của EIA cũng nói rằng sản lượng dầu của Mỹ đạt mức kỷ lục 11,9 triệu thùng/ngày trong tuần trước. Xuất khẩu dầu thô của nước này lập kỷ lục gần 3 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu thô của Mỹ được dự đoán sẽ vượt ngưỡng 12 triệu thùng/ngày trong năm nay, và nước này sẽ trở thành quốc gia xuất khẩu ròng dầu thô vào cuối năm 2020, theo dự đoán của EIA.
Bên cạnh đó, những tín hiệu về sự giảm tốc kinh tế toàn cầu cũng là một trở ngại lớn đối với sự phục hồi của giá "vàng đen".
Nhà Trắng hôm 15/1 cho biết nền kinh tế Mỹ đang chịu thiệt hại lớn hơn so với dự báo ban đầu tư việc Chính phủ đóng cửa một phần. Những bế tắc về kế hoạch Brexit của nước Anh cũng là một "đám mây đen" đang phủ bóng lên kinh tế toàn cầu.