Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu phục hồi lên gần 42 USD nhờ dữ liệu kinh tế khả quan của Trung Quốc

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu quay đầu đi lên trong phiên 13/10 sau khi số liệu cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 9.

Giá dầu tăng nhẹ trong phiên ngày thứ Ba sau khi lao dốc gần 3% trong phiên trước đó, nhờ được hỗ trợ từ dữ liệu kinh tế khởi sắc của Trung Quốc.
Cụ thể, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cộng 12 xu Mỹ, tương đương 0,30%, lên mức 39,55 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giao sau nhích 12 xu Mỹ, khoảng 0,29%, phục hồi về 41,84 USD/thùng.
Giá dầu tăng nhẹ trong phiên 13/10 nhờ dữ liệu thương mại tích cực của Trung Quốc.
Theo số liệu được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 13/10, xuất khẩu của nước này trong tháng 9 đã tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái, gần bằng dự báo tăng 10% mà các chuyên gia phân tích đưa ra trước đó và cao hơn mức tăng 9,5% trong tháng 8.
Thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt 37 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với con số 58,93 tỷ USD trong tháng 8 và 58 tỷ USD theo dự báo.
Những số liệu khả quan trên cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu của Trung Quốc đang phục hồi nhanh sau khi hứng chịu tác động mạnh của đại dịch Covid-19.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong tháng 9, nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới đã nhập khẩu 11,8 triệu thùng/ngày, tăng 5,5% so với mức 11,18 triệu thùng/ngày trong tháng 8 vừa qua, và nhích tới 17,5% so với ngưỡng 10,04 triệu thùng/ngày trong tháng 9 năm ngoái.
Tuy nhiên, đà phục hồi của giá “vàng đen” trong phiên này bị hạn chế phần nào khi nguồn cung ổn định trở lại tại Na Uy, Vịnh Mexico và Libya.
Sản lượng dầu mỏ tại Libya, một thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), trong ngày 12/10 đã phục hồi lên 355.000 thùng/ngày, và dự kiến sẽ tăng lên khoảng 600.000 thùng/ngày sau khi tình trạng "bất khả kháng" tại mỏ dầu Sharara được dỡ bỏ.
Siêu bão Delta đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi đổ vào Vịnh Mexico của Mỹ vào cuối tuần trước. Điều này giúp các nhà máy lọc dầu tại bang Texas nối lại hoạt động và khôi phục lại sản lượng.
Trong khi đó các nghiệp đoàn ngành dầu mỏ Na Uy và lãnh đạo các doanh nghiệp dầu mỏ của nước này đã đạt được thỏa thuận về tiền lương, động thái này đã chấm dứt chuỗi ngày đình công trong ngành dầu mỏ Na Uy, khiến sản lượng dầu mỏ của nước này giảm 25%.

Nhà phân tích hàng hóa Vivek Dhar của Commonwealth Bank cho biết: “Hoạt động khai thác dầu mỏ tại Mỹ, Libya và Na Uy phục hồi trở lại đã bổ sung 0,3% nguồn cung dầu toàn cầu”.
Trong nỗ lực nhằm phục hồi nhu cầu dầu mỏ toàn cầu, OPEC cùng các đồng minh, còn gọi là nhóm OPEC+, đã thực hiện thỏa thuận cắt giảm 7,7 triệu thùng/ngày kéo dài đến tháng 12. Liên minh này sẽ tổ chức cuộc họp thảo luận về chính sách dầu mỏ vào thứ Hai tuần tới.
“Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu nhóm OPEC+ đưa ra quyết định điều chỉnh đối với thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ trong cuộc họp sắp tới” Bjornar Tonhaugen - người đứng đầu thị trường dầu mỏ của Rystad Energy, nhận xét.
Các nhà phân tích của ING cho biết OPEC+, đặc biệt là Ả Rập Saudi, có thể đang xem xét điều chỉnh kế hoạch nới lỏng cắt giảm sản lượng xuống mức 5,8 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 1/2021, từ mức 7,7 triệu thùng/ngày hiện tại.
Thị trường năng lượng đang chịu áp lực khi tỷ lệ nhiễm dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại ở khu vực Trung Tây nước Mỹ và nhiều nước châu Âu làm dấy lên lo ngại nhu cầu về dầu mỏ sụt giảm.
Anh và Cộng hòa Séc đang thắt chặt các biện pháp hạn chế để đối phó làn sóng bùng phát dịch Covid-19 thứ hai, trong khi đó Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết nước này để ngỏ khả năng tái áp đặt lệnh phong tỏa tại một số khu vực.
Trong báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới vừa được công bố, Cơ quan Năng lượng Quốc tế nhận định, với kịch bản khả quan nhất khi có được vaccine ngừa Covid-19 và phương pháp điều trị hiệu quả, điều này có nghĩa là nền kinh tế toàn cầu phục hồi vào năm 2021, nhu cầu năng lượng sẽ phục hồi về mức bình thường như trước khi bùng phát đại dịch Covid-19 vào năm 2023.