Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu trong phiên này cũng bị hạn chế sau khi các dữ liệu sản xuất của các nước châu Âu cho thấy tăng trưởng kinh tế chậm lại, có thể làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ “vàng đen”.
Chỉ số PMI của Đức, theo dõi các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, trong tháng 7 đã chạm mức thấp trong 7 năm, cho thấy triển vọng tăng trưởng suy yếu của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 36 xu Mỹ, tương đương 0,6% lên mức 63,54 USD/thùng, sau khi giảm 1% trong ngày 24/7, chứng kiến phiên giảm đầu tiên trong 4 ngày giao dịch gần đây.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng nhích 31 xu Mỹ, tương đương 0,6%, lên mức 56,19 USD/thùng sau khi mất 1,6% trong phiên trước đó.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ hôm 24/7 cho biết, tính đến ngày 19/7, kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 10,8 triệu thùng, cao hơn mức dự kiến giảm 4 triệu thùng của các nhà phân tích trước đó.
Nhà phân tích ông Jac Staunovo của Jac UBS nhận xét: “Các kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 40 triệu thùng trong 6 tuần qua – dấu hiệu cho thấy thị trường dầu mỏ cuối cùng đã tái cân bằng”.
Mặc dù leo dốc trong phiên giao dịch này, giá dầu vẫn đang chịu áp lực từ những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài hơn 1 năm qua.
Tuy nhiên, trong một diễn biến tích cực mới nhất, Nhà Trắng hôm 24/7 cho biết, các nhà đàm phán hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau vào tuần tới để tiếp tục vòng đàm phán thương mại mới.
Chiến lược gia dầu mỏ Harry Tchilinguirian tại BNP cho biết: “Mặc dù có các yếu tố cơ bản về địa chính trị đang hỗ trợ giá dầu, nhưng dường như thị trường năng lượng thế giới vần cần một chất xúc tác kinh tế tích cực để tăng mạnh hơn”. “Nếu các cuộc đàm phán thương mại mới giữa Mỹ và Trung Quốc trong tuần tới đạt tiến triển tích cực, giá dầu có thể leo dốc đáng kể” – chuyên gia Tchilinguirian nhận xét.
Các nhà giao dịch dầu gia tăng lo ngại về nguồn cung dầu mỏ tại Trung Động có thể bị gián đoạn sau khi Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran bắt giữ một tàu chở dầu mang cờ Anh ở Eo biển Hormuz vào tuần trước.
Vương quốc Anh đang nỗ lực thành lập một liên minh cùng các quốc gia khác để bảo vệ các tàu thuyền đi qua Vịnh Ba Tư và Eo biển Hormuz, tuyến đường hàng hải huyết mạch chiếm 20% nguồn cung dầu thế giới.
Phát biểu trong cuộc họp nội các hôm 24/7, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố quân đội nước ngoài từ các nơi khác trên thế giới không nên gửi tàu vũ trang đến Vịnh Ba Tư và Eo biển Hormuz.
Cố vấn quân sự của Nhà lãnh đạo tối cao Iran hôm 24/7 nói rằng bất kỳ thay đổi nào về hiện trạng tại Eo biển Hormuz, được Tehran khẳng định chịu trách nhiệm bảo vệ, sẽ gây ra một cuộc đối đầu nguy hiểm./.