Mối quan hệ Iran - Anh leo thang căng thẳng và những lo ngại về thời tiết ngắn hạn đã làm lu mờ nỗi lo ngại đối với triển vọng nhu cầu dài hạn và giúp thị trường năng lượng khởi sắc trong phiên giao dịch ngày 12/7.
Cụ thể, giá dầu Brent tương lai tăng 36 xu Mỹ, lên mức 66,88 USD / thùng sau khi đạt mức cao nhất trong phiên là 67,29 USD.
Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng nhích 6 xu Mỹ, đạt 60,26 USD/thùng sau khi có thời điểm trong phiên tăng vọt lên tới 60,74 USD/thùng. Giá 2 mặt hàng dầu Brent và ngọt nhẹ WTI lần lượt chạm mức cao nhất kể từ ngày 28/5 và 23/5 trong phiên giao dịch trước đó.
Tính chung trong tuần, giá dầu Brent leo dốc 4,1% và dầu WTI cũng tăng 4,9% sau khi giảm trong tuần trước.
Vào ngày 11/7, các công ty dầu khí Mỹ ở Vịnh Mexico đã phải cắt giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 53% sản lượng của khu vực, do cơn bão nhiệt đới Barry có thể đổ bộ vào bờ biển Louisiana của nước này vào ngày 13/7.
Nguồn cung dầu mỏ tại Trung Đông vẫn đang bị đe dọa nghiêm trọng trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran và phương Tây tăng nhiệt. Phía Tehran ngày 12/7 nói rằng Anh đang có hành động hết sức nguy hiểm đối với nước Cộng hòa Hồi giáo sau khi bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 vì nghi ngờ chiếc tàu này vi phạm các lệnh trừng phạt của châu Âu đối với Syria.
Mặc dù nguồn cung dầu tại vùng Vịnh vẫn ổn định, song việc chính quyền London tuyên bố các tàu của Iran đã cố gắng chặn một tàu chở dầu British Heritage thuộc sở hữu của Anh dẫn đến căng thẳng leo thang ở Trung Đông, đã hỗ trợ đà leo dốc của giá “vàng đen” trong phiên này.
Bên cạnh đó, giá dầu cũng nhận được lực đẩy quan trọng khi lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm mạnh. Theo số liệu thống kê mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), lượng dầu dự trữ của nước này đã giảm trong 4 tuần liên tiếp. Trong tuần tính đến ngày 5/7, các kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 9,5 triệu thùng, nhiều hơn gấp ba lần mức 3,1 triệu thùng mà các nhà phân tích dự đoán trước đó.
Chuyên gia phân tích thị trường hàng hóa Stephen Brennock thuộc PVM Oil Associates nhận xét: “Sự sụt giảm mạnh trong dự trữ dầu thô của Mỹ và những rủi ro địa chính trị liên quan đến tình hình tại Iran sẽ giúp giá dầu Brent và WTI duy trì mức cao như hiện tại”.
Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo thị trường dầu mỏ thế giới sẽ rơi vào tình trạng dư cung vào cuối năm nay và trong năm 2020.
Báo cáo của IEA cho biết, nguồn cung dầu trong 6 tháng đầu năm 2019 đã vượt quá 0,9 triệu thùng/ngày so với nhu cầu. Tình trạng thừa dầu này được cho là sẽ tiếp diễn trong 6 tháng cuối năm và kéo dài sang năm sau. "Lượng dầu thừa của năm nay mà gia tăng mức tồn kho dầu khổng lồ phát sinh trong nửa cuối của năm 2018, khi sản lượng dầu toàn cầu tăng mạnh và nhu cầu tiêu thụ bắt đầu yếu đi", báo cáo của IEA, cơ quan có trụ sở ở Paris, Pháp nêu rõ.
Ngoài ra, báo cáo công bố hôm 11/7 của OPEC dự đoán rằng sản lượng dầu ngoài OPEC có thể tăng 2,1 triệu thùng/ngày trong 2020, chủ yếu do sản lượng khai thác tăng mạnh của Mỹ. Năm nay, sản lượng dầu của các nước ngoài OPEC được dự báo tăng khoảng 2 triệu thùng/ngày, dẫn tới nhu cầu tiêu thụ dầu của OPEC giảm xuống./.