Trong phiên giao dịch này, giá dầu thế giới chấm dứt đà lao dốc mạnh ghi nhận trong nhiều phiên trước đó nhờ thông tin trấn an tâm lý nhà giao dịch của nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu Ả Rập Saudi - lãnh đạo thực tế của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Ngày 3/6, Ả Rập Saudi cho biết, nhóm các nhà sản xuất dầu của OPEC, cùng với Nga, sẽ nỗ lực quản lý nguồn cung dầu thô toàn cầu để tránh xảy ra tình trạng dư cung trên thị trường toàn cầu trong thời gian tới.
“Chúng tôi sẽ làm những gì cần thiết để duy trì sự ổn định của thị trường sau thời điểm tháng 6 này, khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nước trong và ngoài OPEC hết hiệu lực. Đối với vương quốc dầu mỏ, chúng tôi sẽ giảm lượng dầu tồn kho”, tờ Arab News trích dẫn phát biểu của Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khalid al-Falih.
Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 3/6, giá dầu Brent tăng 41 xu Mỹ, tương đương 0,66% so với phiên trước đó, lên mức 62,40 USD/thùng. Giá mặt hàng dầu này đã lao dốc hơn 3% trong phiên giao dịch ngày 31/5, và ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong 6 tháng trong tháng 5 vừa qua.
Theo chuyên gia đầu tư Mithun Fernando thuộc Rivkin Securities tại Australia, giá dầu sụt giảm trong các phiên gần đây do lo ngại căng thẳng thương mại mới tăng lên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa đánh thuế 5% đối với hàng hóa Mexico. Động thái này đã làm gia tăng lo ngại về tác động lên tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu mỏ trên thế giới.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng tăng 67 xu Mỹ, khoảng 1,25%, lênt ới 54,17 USD/thùng.
Nhà phân tích thị trường Abhishek Kumar của Interfax Energy ở London nhận xét: “Việc OPEC và các nước đồng minh tuyên bố sẽ dành sự ưu tiên cho việc gia hạn, thậm chí tăng cường việc thực hiện cắt giảm sản xuất dầu mỏ đã hỗ trợ tích cực cho giá dầu phục hồi trong phiên giao dịch này”.
Cuộc họp thảo luận về chính sách sản lượng của các nước OPEC cùng các nhà sản xuất dầu chủ chốt khác, còn được gọi là Nhóm OPEC+, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng này.
Giá dầu Brent đã sụt mất gần 20% trong tháng 5 so với mức đỉnh thiết lập trong năm 2018 do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu thắt chặt hơn nhờ nỗ lực cắt giảm của OPEC và Nga, cũng như xuất khẩu của Iran và Venezuela sụt mạnh do lệnh trừng phạt của Mỹ và sản xuất của Venezuela.
Sản lượng dầu của Ả Rập Saudi trong tháng 5 đạt mức 9,65 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 5 - mức cắt giảm sâu hơn so với mục tiêu cắt giảm sản xuất theo hiệp ước toàn cầu nhằm giảm nguồn cung dầu, theo tin từ OPEC.
Một nguồn tin khác từ ngành công nghiệp dầu mỏ Ả Rập Saudi hôm 3/6 cho biết, vương quốc dầu mỏ có kế hoạch giữ sản lượng ở mức 10,3 triệu thùng/ngày theo thỏa thuận cắt giảm của OPEC+.
Bên cạnh đó, giá dầu nhận được lực đẩy trong phiên này từ thông tin có nguồn cung có thể bị gián đoạn tại Na Uy. Một cuộc đình công dự kiến diễn ra vào ngày 4/6 có thể khiến nguồn cung dầu toàn cầu thiếu khoảng 440.000 thùng/ngày nếu nỗ lực hòa giải thất bại.
Các thị trường toàn cầu đã gạt bỏ nỗi lo ngại về tăng trưởng kinh tế thế giới có thể chững lại trong bối cảnh xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, tác động tiêu cực đến triển vọng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu.
“Thương nhân đã lường trước những tác động với kinh tế toàn cầu do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ kéo dài từ thời gian trước đó, ông Jasper Lawler - phụ trách nghiên cứu của công ty môi giới Capital Group cho biết.