Giá “vàng đen” phục hồi hơn 1% trong phiên này, tuy nhiên đà leo dốc bị hạn chế phần nào do thị trường chưa chắc chắn Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh nhất trí cắt giảm mạnh sản lượng.
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 78 xu Mỹ, tương đương 1,5%, lên 51,91 USD/thùng, trong khi đó giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ nhích 69 xu Mỹ, tương đương 1,5%, giao dịch ở mức 47,47 USD/thùng.
Theo các nguồn thạo tin, trước thềm cuộc họp chính sách diễn ra trong tuần này của OPEC+, Ả Rập Saudi và một số nhà sản xuất khác đã đề xuất kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác hiện nay tới cuối năm 2020 và cắt giảm thêm 1 triệu thùng dầu/ngày trong quý II/2020.
Đây là dấu hiệu cho thấy Nga và Ả Rập Saudi đang tiến gần tới một thỏa thuận nhằm vực dậy giá dầu vốn đang giảm sâu do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ả Rập Saudi và một số thành viên khác trong OPEC đã đề xuất cắt giảm sản lượng sâu hơn, giữa lúc giá dầu thô đã giảm hơn 20% kể từ đầu năm 2020. Ả Rập Saudi - nhà lãnh đạo thực tế của OPEC, muốn cắt giảm thêm 1 triệu đến 1,5 triệu thùng/ngày trong quý II và để giữ mức cắt giảm 2,1 triệu thùng/ngày hiện tại cho đến cuối năm 2020. Tuy nhiên, các nhà sản xuất này lại khó khăn trong việc thuyết phục Nga ủng hộ đề xuất cắt giảm thêm sản lượng khai thác.
OPEC cùng với Nga và các nhà sản xuất khác, còn gọi là OPEC+, đã có một thỏa thuận cắt giảm sản lượng 2,1 triệu thùng/ngày từ ngày 1/1, bao gồm cả lượng dầu mỏ cắt giảm tự nguyện của Ả Rập Saudi.
Thị trường năng lượng giao dịch khởi sắc trong phiên này nhờ lượng dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước chỉ tăng khiêm tốn. Trong khi đó, lượng xuất khẩu dầu mỏ của nước này tăng lên hơn 4 triệu thùng/ngày kể từ tháng 12, điều này cho thấy nhu cầu dầu ở nước ngoài tăng.
Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông cũng thúc đẩy giá dầu đi lên. Liên minh quân sự do Ả Rập Saudi dẫn đầu ở Yemen cho biết họ đã ngăn chặn một cuộc tấn công nhằm vào một tàu chở dầu ngoài khơi Yeme, hãng thông tấn nhà nước SPA của Ả Rập Saudi đưa tin hôm 4/3.
Tuy nhiên, các nhà phân tích dầu mỏ cho rằng lượng cắt giảm sản xuất chỉ ở mức 1 triệu thùng/ngày vẫn chưa đủ để hạn chế tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và nền kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh các nhà máy ngừng hoạt động, ít người đi du lịch hơn và nhiều ngành kinh doanh bị đình trệ, qua đó làm giảm nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ.
Nhà phân tích thị trường cấp cao Edward Moya của trung tâm OANDA nhận xét: “Nếu OPEC+ cắt giảm ở mức khiêm tốn nhằm cân bằng yêu cầu không thay đổi nhiều việc giảm sản xuất của Nga với mục tiêu giảm 1,5 triệu thùng/ngày của Ả Rập Saudi, điều này khó có thể hỗ trợ giá dầu trong ngắn hạn”.
Trong cảnh báo mới nhất về ảnh hưởng của dịch Covid-19, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva nói rằng sự bùng phát dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu đã dập tắt hy vọng đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm nay và khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 về mức yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009./.