Thị trường năng lượng tiếp tục khởi sắc khi triển vọng nhu cầu tăng trưởng mạnh mẽ lấn át lo ngại rằng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng các đồng minh, nhóm OPEC+, bắt đầu thảo luận về việc tăng sản lượng dầu.
Cụ thể, giá dầu Brent tăng mạnh lên tới 75,30 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 25/4/2019. Trong khi đó, giá dầu WTI của Mỹ tăng 13 xu Mỹ, tương đương 0,2%, lên 73,25 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch trước đó, giá dầu Brent đã tăng 1,89% và giá dầu WTI cộng 2,82%.
Một nguồn tin quen thuộc của OPEC+ hôm 22/6 cho biết, liên minh này đang thảo luận về việc tăng dần sản lượng dầu mỏ từ tháng 8, nhưng vẫn chưa có quyết định về khối lượng chính xác.
Trước đó, nhóm OPEC+ đã nhất trí tăng thêm 2,1 triệu thùng dầu/ngày kéo dài từ tháng 5 đến tháng 7 năm nay khi nhu cầu dần phục hồi. Nhóm OPEC+ sẽ tổ chức cuộc thảo luận về chính sách sản lượng vào ngày 1/7 tới.
Giá cả hai loại dầu này vừa ghi nhận 4 tuần leo dốc liên tiếp nhờ lạc quan về tiến độ của chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 trên toàn cầu và dự báo về hoạt động đi lại hồi phục mạnh trong mùa hè năm nay.
Ngân hàng Bank of America dự báo, giá dầu Brent có thể bình quân 68 USD/thùng trong năm nay, song có thể tăng vọt lên 100 USD/thùng trong năm 2022 do nhu cầu tăng mạnh. Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu đã tăng hơn 40%.
Giám đốc điều hành của hãng dầu BP, ông Bernard Looney, nhận xét: “Nhiều khả năng các mức giá này sẽ được duy trì trong những năm tới, và điều này sẽ rất tốt cho chiến lược của chúng tôi".
Cuộc đàm phán nhằm khôi phục Thoả thuận hạt nhân Iran, còn được gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), đã bị hoãn vào ngày Chủ nhật, sau khi Chánh án Ebrahim Raisi - một người theo phái cứng rắn - giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Iran.
“Việc một nhân vật cứng rắn đắc cử ở Iran đang gây áp lực lên nguồn cung dầu, bởi khả năng Tehran được dỡ lệnh trừng phạt đã suy giảm”, ông Bob Yawger - Giám đốc phụ trách thị trường dầu mỏ của Mizuho nhận định.
Nếu Iran đạt thoả thuận và được Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận, xuất khẩu dầu của Tehran có thể tăng thêm 1 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 1% nguồn cung dầu toàn cầu.
Ngày 21/6, Tổng thống đắc cử Iran Ebrahim Raisi tuyên bố chính sách đối ngoại của Tehran sẽ không bị giới hạn trong khuôn khổ thỏa thuận JCPOA ký năm 2015.
Ông Raisi lên tiếng ủng hộ các cuộc đàm phán giữa Iran và 6 cường quốc thế giới để khôi phục thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, nhưng thẳng thừng từ chối cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden, ngay cả khi Washington gỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt chống Tehran.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi số liệu về lượng dầu dự trữ hàng tuần của Mỹ sau khi lượng dự trữ dầu thô đã giảm trong 4 tuần. Theo một cuộc khảo sát của hãng Reuters, dự trữ dầu thô của Mỹ sẽ giảm tuần thứ năm liên tiếp.