Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu tăng mạnh do căng thẳng Anh - Iran sau vụ bắt giữ tàu ở Gibraltar

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Căng thẳng Vùng Vịnh leo thang sau khi Anh bắt giữ siêu tàu chở dầu của Iran tại eo biển Gibraltar đã đẩy giá “vàng đen” leo dốc mạnh trong ngày 5/7.

Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày 5/7, nhờ lực hỗ trợ từ căng thẳng ở vùng Vịnh và việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh (nhóm OPEC+) gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, mối lo về triển vọng tăng trưởng kinh tế tiếp tục là một nguồn áp lực giảm giá đối với năng lượng này.
Chốt phiên giao dịch ngày 5/7, giá dầu ngọt nhẹ WTI giao sau tăng 0,17 USD/thùng, lên 57,51 USD/thùng. Tại thị trường London, giá dầu thô Brent giao sau tăng 0,93 USD/thùng, tương đương 1,47%, đạt mức 64,23 USD/thùng.
 Giá dầu tăng mạnh trong ngày 5/7 do căng thẳng leo thang tại vùng Vịnh.
Giá dầu thế giới tăng trong bối cảnh căng thẳng tại vùng Vịnh leo thang khi Anh bắt siêu tàu chở dầu MT Grace 1của Iran ở ngoài khơi Gibraltar với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt Liên minh châu Âu (EU).
Iran ngày 5/7 cảnh báo sẽ bắt một con tàu của Anh sau khi Hải quân Hoàng gia Anh bắt một con tàu chở dầu của Iran ngoài khơi Gibraltar vì cáo buộc con tàu này vi phạm lệnh trừng phạt của EU đối với Syria. "Nếu Anh không thả tàu Iran, thì Iran sẽ bắt một tàu chở dầu của Anh", một chỉ huy Vệ binh Quốc gia Iran viết trên mạng xã hội Twitter.
MT Grace 1 là tàu chở dầu với trọng tải 300.000 tấn hiện mang cờ Panama và thuộc quyền sở hữu của một công ty có trụ sở tại Singapore. Theo RT, tàu này được mệnh danh là “siêu tàu dầu” vì kích cỡ lớn. Phía Anh và Gibraltar nói rằng MT Grace 1 đã chở dầu của Iran dự định sẽ tới nhà máy lọc dầu Banyas ở Syria, thực thể nằm trong danh sách “đen” bị trừng phạt của EU.
Tuy nhiên, giá của hai mặt hàng dầu chủ chốt đều giảm trong tuần này, khi nỗi lo kinh tế giảm tốc lấn át những rủi ro gián đoạn nguồn cung tại Trung Đông. Giá dầu WTI trượt 1,8%, còn giá dầu Brent giảm 3,3% trong tuần.
Thời gian qua, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã phủ bóng lên triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế thế giới và nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ. Washington và Bắc Kinh hiện đã nối lại cuộc đàm phán thương mại để giải quyết cuộc chiến này, nhưng cả hai đều phát tín hiệu không dễ nhượng bộ các yêu cầu của đối phương.
"Hỗn hợp những yếu tố tác động lên giá dầu hiện nay đang tạo ra một cảm giác nặng nề rằng sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ dầu", chuyên gia Jim Ritterbusch,thuộc Ritterbusch and Associates, nhận xét.
Thống kê của Đức cho thấy số đơn đặt hàng công nghiệp của nước này trong tháng 5 giảm mạnh hơn nhiều so với dự báo. Bộ Kinh tế Đức nói ngành công nghiệp của nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể tiếp tục yếu trong những tháng tới.
Dữ liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy khu vực phi nông nghiệp của nước này tạo được 224.000 công việc mới trong tháng 6, mức tăng mạnh nhất trong 5 tháng, và vượt xa mức dự báo 160.000 công việc mới mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Tuy nhiên, số đơn đặt hàng mới mà các nhà máy ở Mỹ nhận được trong tháng 5 giảm tháng thứ 2 liên tiếp.
Dù vậy, đà giảm giá của "vàng đen" trong tuần hạn chế một phần nhờ được hỗ trợ bởi thống kê cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm 1,1 triệu thùng. Song, mức giảm này thấp hơn nhiều so mức giảm 3,5 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Ngoài ra, giá dầu còn được hỗ trợ bởi việc nhóm OPEC+ gia hạn thỏa thuận hạn chế sản lượng thêm 9 tháng.
Một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy sản lượng dầu của OPEC đã giảm xuống mức thấp nhất 5 tháng trong tháng 6, khi nguồn cung tăng từ Ả Rập Saudi không đủ để bù đắp sự suy giảm nguồn cung ở Iran và Venezuela - hai thành viên OPEC đang chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ./.