70 năm giải phóng Thủ đô

Giá dầu tăng mạnh nhất kể từ tháng 3, tiến sát 50 USD/thùng

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu tăng chạm đỉnh kể từ tháng 3/2020 và ghi nhận tuần tăng thứ 5 liên tiếp sau khi OPEC+ đạt được thỏa hiệp về nguồn cung.

Chốt phiên giao dịch ngày 4/12, giá dầu tăng hơn 1% và gần chạm mức 50 USD/thùng, khép lại tuần tăng thứ 5 liên tiếp nhờ vào gói kích thích kinh tế mới của Mỹ.
Bên cạnh đó, thị trường “vàng đen” nhận được lực đẩy quan trọng từ sự tâm lý lạc quan về quá trình phát triển và phân phối vaccine ngừa Covid-19.
Giá dầu có tuần tăng thứ 5 liên tiếp, gần chạm mức 50 USD/thùng.
Đà tăng mạnh của giá dầu đạt được trong phiên giao dịch cuối tuần khi dự luật cứu trợ quy mô 908 tỷ USD do một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng đã nhận được sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ.
Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Chuck Schumer đã tweet rằng “báo cáo cho thấy sự cần thiết phải viện trợ khẩn cấp mạnh mẽ là quan trọng hơn bao giờ hết”.
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 1,11% lên 49,25 USD/thùng. Trong phiên, có thời điểm mặt hàng dầu này chạm mức cao nhất kể từ đầu tháng 3 lên tới 49,92 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng nhích 0,99% lên 46,26 USD/thùng sau khi chạm mức cao kỷ lục tới 46,68 USD/thùng trong phiên. Cả hai mặt hàng dầu chủ chốt đều chứng kiến tuần leo dốt thứ năm liên tiếp.
“Giá dầu đang được giao dịch ở mức cao bất chấp những yếu tố tiêu cực, tất cả là nhờ vào gói kích thích kinh tế của Mỹ”, Bob Yawger - Giám đốc giao dịch hợp đồng tương lai năng lượng tại Mizuho ở New York, nhận xét.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các đồng minh, còn gọi là nhóm OPEC+, đã đồng ý tăng nhẹ sản lượng từ tháng 1/2021. Tuy nhiên, OPEC tiếp tục cắt giảm phần lớn nguồn cung hiện có để thắt chặt cung - cầu trên thị trường vốn đang bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19.
Trước đó, hôm 3/12, OPEC và Nga đã nhất trí trí tăng sản lượng dầu ở mức khiêm tốn từ tháng 1/2021 lên thêm 500.000 thùng/ngày, dù không đạt được thỏa hiệp về chính sách dài hạn hơn trong thời gian còn lại của năm tới. Nhóm OPEC+ dự kiến sẽ tiếp tục mức cắt giảm hiện tại cho đến ít nhất tháng 3/2021, sau khi hoãn kế hoạch nâng sản lượng thêm 2 triệu thùng/ngày.
Sự điều chỉnh này có nghĩa là OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng 7,2 triệu thùng/ngày - tương đương 7% nhu cầu toàn cầu - từ tháng 1/2021, thấp hơn so với mức cắt giảm 7,7 triệu thùng/ngày hiện nay.
Các biện pháp hạn chế đang được thực hiện để đối phó với tình trạng sụt giảm nhu cầu dầu mỏ trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 thứ hai đã xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc OPEC+ tăng sản lượng dầu dù ở mức khiêm tốn có thể đẩy thị trường rơi vào tình trạng dư cung.
Công ty phân tích Wood Mackenzie cho hay nếu tình trạng này tiếp diễn đến hết tháng 3/2021, thị trường sẽ dư cung đến 1,6 triệu thùng dầu/ngày trong quý đầu tiên của năm tới.
Trong khi đó, sản lượng tại Mỹ đã phục hồi từ mức thấp nhất trong 2,5 ghi nhận được hồi tháng 5/2020, chủ yếu là do các nhà sản xuất dầu đá phiến bổ sung thêm giàn khoan khi giá dầu leo dốc. Số giàn khoan dầu tại Mỹ, cộng 10 giàn lên 241 giàn trong tuần trước, mức cao nhất trong hơn 6 tháng qua.
Giá dầu đã tăng 27% trong tháng 11 - mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 5/2020, nhờ những hy vọng rằng vaccine Covid-19 sẽ giúp phục hồi hoạt động kinh tế và nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ.
Trong báo cáo mới nhất, Fitch Ratings đang thận trọng hơn với các dự báo về giá dầu trong thời gian sắp tới. Mức giá dầu dự báo của Fitch Ratings đưa ra thấp hơn gần 9% so với kết quả dự báo do tổ chức Refinitiv Eikon thực hiện. 36 chuyên gia tham gia cuộc khảo sát của Refinitiv Eikon dự báo giá dầu Brent sẽ ở mức 49,35 USD/thùng trong năm tới, và 50 USD/thùng là mức giá dầu dự báo phổ biến nhất.
Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ dự báo giá dầu quốc tế chuẩn sẽ ở mức 46,59 USD/thùng trong năm 2021./.