Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu tăng mạnh nhờ tín hiệu lạc quan từ đàm phán thương mại Mỹ - Trung

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá “vàng đen” tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 7/1 khi nhà đầu tư lạc quan về việc Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ sớm giải quyết được những xung đột thương mại.

Giá dầu tiếp tục đi lên trong phiên này sau khi chạm đáy trong 18 tháng hồi tháng 12 năm ngoái nhờ nhận được sự hỗ trợ từ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu Dẩu mỏ (OPEC) và thị trường cổ phiếu toàn cầu ổn định.
Giá dầu tiếp tục phục hồi trong phiên 7/1 nhờ tín hiệu lạc quan về đàm phán thương mại Mỹ - Trung.                     
Đặc biệt, thị trường dầu mỏ khởi sắc một phần nhờ sự lạc quan trên thị trường về việc Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ sớm giải quyết được những xung đột thương mại. Giá “vàng đen” hiện đã phục hồi gần 12% giá trị trong vòng 1 tuần qua, ghi nhận mức tăng hàng tuần lớn nhất trong 2 năm gần đây.
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 1,13 USD, lên mức 58,19 USD/thùng sau khi lao dốc xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2017 trong phiên cuối tháng 12/2018. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng nhích 84 xu Mỹ, lên ngưỡng 48,80 USD/thùng.
Các thị trường tài chính đang khá “phấn chấn” khi bước vào ngày giao dịch 7/1 trước những dự đoán về các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 7/1, để giải quyết những xung đột thương mại - điều sẽ dẫn tới khả năng giảm bớt căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này. 

Chiến lược gia Olivier Jakob của Philip Petromatrix cho biết: “Thị trường năng lượng đã có 5 ngày tăng giá liên tiếp, vì vậy phiên giao dịch khởi sắc  hôm nay chỉ là sự tiếp nối đà leo dốc của giá dầu”.
Bên cạnh đó, các thương nhân cho hay giá dầu cũng đang nhận được sự hỗ trợ từ thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ mà các thành viên OPEC và những nước sản xuất dầu ngoài OPEC, gồm Nga và Ô-man, đã nhất trí thực hiện bắt đầu từ tháng 1 năm nay.
Theo một cuộc khảo sát hồi tuần qua của hãng tin Reuters, nguồn cung dầu trong tháng 12/2018 của OPEC đã giảm 460.000 thùng/ngày xuống còn 32,68 triệu thùng/ngày, nhờ nỗ lực cắt giảm sản lượng trước tiên của Ả Rập Saudi - nước sản xuất dầu hàng đầu trong OPEC. 

Mục đích của việc cắt giảm sản lượng khoảng 1,2 triệu thùng/ngày của các nước trong và ngoài OPEC là nhằm hạn chế tình trạng dư cung toàn cầu, chủ yếu do hoạt động sản xuất dầu đá phiến bùng nổ tại Mỹ, tăng 20% trong năm 2018.
Theo số liệu công bố hàng tuần vào ngày 4/1 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, sản lượng dầu thô tại nước này đạt mức cao kỷ lục 11,7 triệu thùng/ngày trong tuần cuối cùng của năm 2018. Điều này đưa Mỹ trở thành nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, vượt qua Nga và Ả Rập Saudi.
Tuy nhiên, giá dầu vẫn chịu sức ép từ đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc. Hãng xếp hạng tín nhiệm Goldman Sachs ngày 7/1 cho biết đã hạ dự báo mức giá dầu Brent trung bình trong năm 2019 từ 70 USD/ thùng xuống còn 62,5 USD/ thùng do tác động tiêu cực của "những cơn gió ngược mạnh nhất" kể từ năm 2015..
Hãng Societe Generale cũng hạ dự báo mức giá dầu ngọt nhẹ WTI trung bình trong năm 2019 từ 57 USD/thùng xuống còn 48 USD/thùng.