Giá dầu thế giới quay đầu giảm hơn 5% do quan ngại về nhu cầu

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu sụt hơn 5% trong phiên giao dịch ngày 22/5 xuống còn 34 USD/thùng do thị trường chưa chắc chắn nhu cầu sớm được cải thiện.

Giá “vàng đen” đi xuống trong phiên này do thị trường còn hoài nghi về tốc độ phục hồi nhu cầu đối với dầu mỏ khi nhiều nước bắt đầu tái khởi động nền kinh tế, đồng thời chịu áp lực từ căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Cụ thể, giá dầu Brent hạ 1,96 USD, tương đương 5,4%, xuống 34,10 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ sụt 2,41 USD, tương đương 7,1%, xuống còn 31,51 USD/thùng.
 Giá dầu Brent sụt hơn 5% trong phiên 22/5.
Giá dầu đã tăng mạnh trong những tuần gần đây và vẫn đang hướng đến tuần tăng thứ tư liên tiếp, sau khi giá dầu Brent xuống dưới 16 USD/thùng và giá dầu WTI rơi xuống vùng âm trong tháng 4 vừa qua.
Thị trường nhiên liệu khởi sắc kể từ đầu tháng 5 nhờ nỗ lực cắt giảm nguồn cung của các nhà sản xuất dầu lớn và nhu cầu đang tăng trở lại. Nhờ cung - cầu trên thị trường được thắt chặt hơn, giá dầu Brent đã tăng hơn 50% so với mức đáy hồi tháng 4.
Nhu cầu dầu mỏ dần phục hồi khi các nước bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa và biện pháp hạn chế được áp dụng trước đó để ngăn chặn đại dịch Covid-19.
Số liệu thống kê cho thấy Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn được gọi là nhóm OPEC+, đang tuân thủ cam kết cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày.
Về nguồn cung của Mỹ, lượng dầu thô dự trữ của nước này đã giảm 5 triệu thùng trong tuần trước.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) hôm 20/5 cho biết dự trữ dầu thô nội địa sụt 5 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 15/5/2020, giảm tuần thứ 2 liên tiếp, cao hơn dự báo giảm 4,8 triệu thùng của Viện Xăng dầu Mỹ (API) và trái ngược hoàn toàn với dự báo tăng 2,4 triệu thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts.
Tuy nhiên, trong phiên giao dịch này, các thương nhân dầu mỏ tỏ ra thất vọng về quyết định của Trung Quốc không đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2020.
Ngoài ra, theo giới phân tích, những căng thẳng leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc về vấn đề thương mại cũng như kế hoạch của Bắc Kinh thực thi luật an ninh quốc gia tại khu hành chính đặc biệt Hồng Kông (Trung Quốc) đang gây áp lực khiến giá dầu mất động lực phục hồi.
“Tâm lý của giới đầu tư dầu mỏ toàn cầu đang trở nên bất an hơn do lo ngại leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc” - nhà môi giới dầu mỏ Stephen Brennock của PVM nhận xét.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần