Thị trường dầu mỏ suy yếu trong phiên giao dịch này do chịu sức ép từ nhu cầu nhiên liệu giảm mạnh trước tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng Covid-19.
Nỗi lo ngại về triển vọng nhu cầu dầu thô suy yếu đã lấn át thông tin tích cực từ thỏa thuận cắt giảm sản lượng kỷ lục gần 10 triệu thùng/ngày của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh
Cụ thể, giá dầu Brent sụt 73 xu Mỹ, tương đương 3,42%, xuống còn 20,60 USD/thùng, sau khi có thời điểm leo lên 22,70 USD/thùng. Giá mặt hàng dầu này đã tăng 5% trong phiên ngày 23/4 do thị trường lo ngại nguồn cung dầu tại Trung Đông bị ảnh hưởng khi căng thẳng Mỹ - Iran leo thang.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng mất 84 xu Mỹ, tương đương 5,09%, xuống 15,66 USD/thùng, sau khi leo dốc tới 20% trong phiên trước đó.
Dẫu vậy, đà đi xuống của giá dầu trong phiên này được hạn chế phần nào khi căng thẳng ở Trung Đông đang đe dọa làm gián đoạn nguồn cung nhiên liệu tại Trung Đông.
Quan hệ giữa Washington và Tehran leo thang căng thẳng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ thị lực lượng hải quân "bắn hạ" các tàu của Iran nếu "có hành động khiêu khích" các tàu Mỹ tại vùng Vịnh.
Về phía Tehran, Tổng tư lệnh lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Hossein Salami ngày 23/4 tuyên bố rằng nước này sẽ không ngần ngại đáp trả lại hải quân Mỹ nếu lực lượng này tấn công bất cứ tàu nào của Iran.
Giá dầu Brent sắp phải chứng kiến tuần lao dốc thứ 8 chỉ trong 9 tháng qua với mức giảm 27% trong tuần này. Trong khi đó, tính chung trong tuần, giá dầu WTI của Mỹ đang trên đà ghi nhận mức sụt giảm khoảng 14%.
Thị trường dầu mỏ vừa trải qua một trong những tuần biến động nhất từ trước đến nay. Do tình trạng dư cung và nhu cầu năng lượng giảm mạnh khiến giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng 5 giảm xuống mức âm lần đầu tiên trong lịch sử vào ngày 20/4 vừa qua.
Sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhu cầu nhiên liệu toàn cầu giảm hơn 30% và các công ty năng lượng tại Mỹ - quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, phải cạnh tranh để tìm kho dự trữ dầu dư thừa. Giá dầu Brent hiện đã mất khoảng 70% giá trị kể từ đầu năm đến nay.
Tuy nhiên, các nhà phân tích kỳ vọng thị trường năng lượng sẽ ổn định trong những tuần tới nhờ việc cắt giảm nguồn cung của các nước sản xuất dầu chủ chốt.
Trong bối cảnh thị trường năng lượng đang đối mặt cuộc khủng hoảng dư cung do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, trong đó có Nga, còn được gọi là nhóm OPEC+, sẽ cắt giảm sản lượng ở mức kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày từ ngày 1/5 tới.
Kuwait ngày 23/4 cho hay đã bắt đầu cắt giảm nguồn cung dầu ra thị trường quốc tế trước cả ngày 1/5, thời hạn bắt đầu có hiệu lực của thỏa thuận cắt giảm sản lượng mà OPEC+ đạt được hôm 12/4 trong tháng này.
Ngoài thỏa thuận cắt giảm nguồn cung này, một số thành viên trong nhóm OPEC+ đang cam kết giảm thêm sản lượng để cân bằng cung - cầu trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Theo 4 nguồn tin tiết lộ với Reuters, dự án dầu mỏ Azeri-Chirag-Guneshli của Azerbaijan cũng cắt giảm mạnh sản lượng từ tháng 5 trở đi để thực hiện các cam kết của OPEC+.
Tuy nhiên, các nhà phân tích năng lượng cho rằng giá dầu vẫn ở mức thấp trong nhiều năm và nhu cầu cần phải tăng trở lại để giá “vàng đen” thực sự phục hồi.
“Các kho dự trữ dầu đang đầy tràn, nhiều mỏ dầu có thể buộc phải ngừng hoạt động”, ông Bjornar Tonhaugen - Trưởng phòng thị trường năng lượng của Rystad Energy, cho hay.
Theo giới phân tích, nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc, nơi là tâm dịch Covid-19 đầu tiên, có thể sẽ tăng trở lại trong quý II khi chính quyền Bắc Kinh nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại để ngăn dịch Covid-19 và cho phép tái khởi động nền kinh tế.
Bên cạnh đó, báo cáo mới nhất cho thấy sản lượng dầu của Mỹ bắt đầu giảm. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết sản lượng dầu thô của Mỹ đã giảm nhẹ xuống 12,2 triệu thùng/ngày trong tuần trước.