Sự biến động khó lường của thị trường dầu mỏ đã gia tăng trong nửa cuối năm 2018, khi giá dầu chạm đỉnh trong 4 năm trước khi nhanh chóng bước vào chuỗi giảm giá dài nhất trong 3 thập kỷ qua. Nếu cách đây vài tháng, các nhà phân tích từng dự báo triển vọng giá dầu 100 USD/thùng, hiện tại, họ lại đặt câu hỏi liệu giá dầu có rơi xuống mức 40 USD/thùng?
Giá dầu ngọt nhẹ WTI trong ngày 29/11 đã giảm xuống dưới 50 USD/thùng, mức thấp nhất trong gần 14 tháng qua, giá dầu thô Brent biển Bắc là 58,13 USD/thùng.
Theo các chuyên gia kinh tế, có 3 yếu tố chính có khả năng đẩy giá dầu lao dốc xuống mức 40 USD/thùng.
Ả Rập Saudi
Với việc lo ngại tình trạng dư thừa nguồn cung ngày càng gia tăng, giới đầu tư trên thị trường dầu đang chờ đợi Ả Rập Saudi, quốc gia đứng đầu Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), liệu có thuyết phục được các đồng minh cắt giảm sản lượng trong cuộc hợp OPEC diễn ra vào ngày 6/12 tới.
Kể từ tháng 6, sản lượng của các nhà sản xuất dầu mỏ lớn bao gồm OPEC, Nga và Mỹ đều đạt các mức kỷ lục mới. Trong đó, sản lượng của Ả Rập Saudi lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua con số 11 triệu thùng/ngày trong tháng 11 vừa qua.
Tại cuộc họp về chính sách sắp tới, các nhà đầu tư kỳ vọng OPEC sẽ đồng ý cắt giảm sản lượng, tuy nhiên điều này không chắc chắn xảy ra. Tổng thống Mỹ Donald Trump thể hiện thái độ sẽ chống lại bất kỳ động thái cắt giảm sản lượng nào của OPEC, do Washington đang hưởng lợi từ giá dầu rẻ. Trong khi đó, Nga - nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất ngoài khối OPEC tham gia cắt giảm sản lượng, cũng không lấy làm hào hứng khi phải thực hiện lại chiến lược cắt giảm sản lượng.
Bên cạnh đó, chính quyền Mỹ có thể thay đổi điều khoản miễn trừ đối với các nước nhập khẩu dầu từ Iran, điều này có thể làm xáo trộn thị trường dầu một lần nữa. Ả Rập Saudi sẽ phải cân nhắc tất cả những yếu tố này trước khi thực hiện đợt cắt giảm sản lượng mới.
Xung đột thương mại Mỹ - Trung
Hiện tại, chưa có nhiều tín hiệu tích cực từ Bắc Kinh hay Washington rằng cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ sớm chấm dứt. Tuy nhiên, thị trường vẫn kỳ vọng vào kết quả cuộc đàm phán thương mại cấp cao giữa hai nước. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc gặp gỡ bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina. Đây được xem là niềm hy vọng mới trong việc giải tỏa cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Nếu vậy, giá dầu sẽ nhận được động lực hỗ trợ tích cực và có khả năng đi lên.
Tuy nhiên, Michael Spence, nhà kinh tế nhận giải Nobel kinh tế nhận định, sẽ không có những thay đổi nhanh chóng như vậy đối với xung đột lợi ích giữa 2 quốc gia và chiến tranh thương mại sẽ còn kéo dài trong thời gian tới. Ngoài ra, trong trường hợp đạt được sự đồng thuận, điều này cũng chỉ là tiền đề mở ra các thảo luận, đàm phán trong tương lai, không phải là giải pháp hóa giải những bất đồng hay tháo gỡ các hàng rào thuế quan được đặt ra hiện tại.
Quyết định về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED)
Nền kinh tế Mỹ đang đạt tốc độ tăng trưởng tích cực, tạo thêm 250.000 việc làm và tỷ lệ thất nghiệp rơi xuống mức 3,7% trong tháng 10... Tất cả các tín hiệu kinh tế khả quan tạo động lực để FED tiến hành nâng lãi suất thêm một lần nữa trong tháng 12 tới. Khi đó, tỷ giá đồng USD sẽ tiếp tục mạnh lên và khiến các hàng hóa định giá bằng đồng bạc xanh trở nên đắt đỏ hơn, trong đó có dầu mỏ. Như vậy, nhu cầu đối với “vàng đen” sẽ càng suy yếu, đẩy giá dầu tiếp tục trượt sâu.
Các yếu tố quyết định đến giá dầu trong thời gian tới, gồm hội đàm Donald Trump - Tập Cận Bình, phiên họp của OPEC và họp chính sách lãi suất của FED, đều diễn ra trong tháng 12. Dễ nhận thấy, cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Washington không thể sớm chấm dứt ngay lập tức, khả năng FED sẽ tiếp tục lộ trình bình thường hóa lãi suất và nếu OPEC từ chối cắt giảm sản lượng, viễn cảnh giá dầu xuống mức 40 USD/thùng là hoàn toàn có thể xảy ra.