Giá dầu thế giới tăng tháng thứ 2 liên tiếp nhờ nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá nhiên liệu hiện vẫn giữ ở mức cao nhất hơn 3 năm qua và đang hướng tới tháng leo dốc thứ 2 liên tiếp do lo ngại nguồn cung bị gián đoạn và sự hỗ trợ từ việc cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng với Nga.

Trong phiên giao dịch 30/4, giá “vàng đen” giảm nhẹ do số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ tiếp tục tăng. Cụ thể, báo cáo mới nhất của công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết, số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ tăng 5 giàn trong tuần kết thúc ngày 27/4 vừa qua, lên 825 giàn, mức cao nhất kể từ tháng 3/2015.
Trước đó, ngày 25/4, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, lượng dầu thô dự trữ của Mỹ đã tăng 2,2 triệu thùng lên 429,7 triệu thùng trong tuần trước, vượt xa dự báo tăng 1,1 triệu thùng của các nhà phân tích. Cũng trong tuần trước, dự trữ xăng của Mỹ tăng thêm 800.000 thùng.
Giá dầu hiện vẫn duy trì mức đỉnh hơn 3 năm qua và đang hướng tới tháng tăng giá thứ 2 liên tiếp.
Sản lượng dầu của Mỹ đã tăng hơn 25% kể từ giữa năm 2016, lên mức cao kỷ lục 10,59 triệu thùng/ngày, hiện chỉ xếp sau Nga về sản lượng dầu mỏ. 

Cụ thể, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn hạ 50 xu Mỹ (tương đương 0,7%), xuống 74,14 USD/thùng, trong khi đó giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao kỳ hạn giảm 28 xu Mỹ (khoảng 0,4%), xuống 67,82 USD/thùng. Giá dầu Brent đã leo lên mức 75,47 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2014 trong phiên 27/4. 
Michael McCarthy - Giám đốc chiến lược tiếp thị của CMC Markets nhận định, khối lượng giao dịch trong phiên giao dịch ngày 30/4 khá thấp và hoạt động bán ra không mạnh, điều này có thể giúp thị trường sẽ tăng khi kết thúc phiên giao dịch.
Tuy nhiên, giá dầu hiện vẫn duy trì mức đỉnh hơn 3 năm qua và đang hướng tới tháng tăng giá thứ 2 liên tiếp. Trong những tuần qua, thị trường năng lượng vẫn nhận được lực đẩy từ mối lo ngại Mỹ sẽ tái áp đặt lệnh trừng phạt với Iran và nỗ lực thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng khoảng 1,8 triệu thùng của OPEC và các nước sản xuất dầu chủ chốt khác.

Khả năng Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran là một trong số các yếu tố giúp giá dầu Brent tăng gần 6% và dầu WTI cũng tiến gần 5% trong tháng 4 này. Đà tăng này diễn ra bất chấp đồng USD đang có xu hướng mạnh lên. Mỹ đang cân nhắc xem có áp đặt trở lại lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran hay không trước ngày 12/5.
Robbie Fraser - Chuyên gia phân tích tại Schneider Electric bình luận: “Nếu Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran khiến sản lượng dầu xuất khẩu của Tehran giảm, điều này sẽ đẩy giá dầu lên”.
Bên cạnh đó, nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ cùng với những nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC và Nga cũng đóng vai trò quan trọng, bù đắp vào đà leo dốc sản lượng dầu đá phiến tại Mỹ.
"Giá dầu vẫn hưởng lợi trong dài hạn do thị trường lo ngại Mỹ sẽ áp đặt lại lệnh trừng phạt kinh tế với Iran và nguồn cung dầu toàn cầu được thắt chặt hơn", Benjamin Lu - nhà phân tích hàng hóa của Phillip Futures tại Singapore, nhận định.

Theo nhà phân tích Lu, nguồn cung dầu mỏ đang có hiệu được thắt chặt hơn trong bối cảnh sản lượng khai thác ở Venezuela, nhà sản xuất lớn nhất của OPEC ở Mỹ Latinh và tại Angola, nước xuất khẩu lớn thứ 2 của châu Phi, đều ghi nhận mức sụt giảm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần