Giá dầu thế giới tiếp tục leo dốc trong phiên này mặc dù báo cáo của Chính phủ Mỹ cho biết nguồn cung dầu thô nội địa bất ngờ tăng lần đầu tiên trong 6 tuần.
Cụ thể, giá dầu Brent hiện giao dịch ở mức 82,17 USD/thùng, tăng 83 xu Mỹ, tương đương 1% so với mức đóng cửa của phiên trước đó, đạt mức cao nhất trong 4 năm.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng tăng 84 xu Mỹ, tương đương 1,2%, lên mức 72,41 USD/thùng.
Ngày 26/9, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết nguồn cung dầu thô nội địa tăng 1,9 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 21/9/2018, thấp hơn dự báo vọt 2,9 triệu thùng của Viện Xăng dầu Mỹ, nhưng trái ngược hoàn toàn với dự báo giảm 2,2 triệu thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts. Nguồn cung tại Mỹ đã giảm 5 tuần liên tiếp trước đó.
Giá dầu nhảy vọt, một phần nhờ quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của Tổng thống Donald Trump và các biện pháp trừng phạt Tehran nhằm làm sụt giảm kim ngạch xuất khẩu dầu của nước này.
Các nhà giao dịch cho biết thị trường dầu mỏ đang được thắt chặt trước các biện pháp trừng phạt được lên kế hoạch của Washington đối với ngành dầu mỏ của Iran từ ngày 4/11 tới.
Phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hợp quốc hôm 25/9, Tổng thống Trump cho biết Mỹ lên kế hoạch có các biện pháp trừng phạt bổ sung, “mạnh mẽ hơn” sau khi các lệnh trừng phạt nhắm mục tiêu đến dầu mỏ Iran có hiệu lực vào tháng 11.
Trong thông báo cảnh báo tới khách hàng, ngân hàng Nhật Bản Mitsubishi UFJ Financial Group cho biết: "Chúng tôi cho rằng giá dầu đang có xu hướng tiếp tục tăng, tuy nhiên điều cảnh báo giá dầu Brent có thể nhảy vọt lên 100 USD/thùng có khả năng trở thành hiện thực".
Cuối tuần qua tại Algiers, các nhà sản xuất trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), được biết là Ủy ban Giám sát Bộ trưởng Chung các nước trong và ngoài OPEC (JMMC), đã tuyên bố không có kế hoạch chính thức về việc gia tăng sản lượng để bù đắp 2 triệu thùng dầu/ngày có khả năng bị mất do các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với xuất khẩu dầu của Iran.
Các nhà phân tích đang theo dõi sát diễn biến Mỹ trừng phạt Iran ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất dầu của Iran . Dự kiến các biện pháp trừng phạt này có hiệu lực vào tháng 11/2018.
Hiện một số bên mua dầu lớn, như một nhóm các nhà máy lọc dầu Ấn Độ, đã ra dấu họ sẽ giảm mua dầu của Iran song tác động lên các thị trường toàn cầu hiện vẫn chưa rõ.
Trong khi đó, các quan chức Mỹ, bao gồm cả Tổng thống Donald Trump, đang nỗ lực trấn an người tiêu dùng và các nhà đầu tư rằng thị trường dầu sẽ vẫn đủ nguồn cung, đồng thời thúc đẩy OPEC tăng sản lượng.