Giá dầu tiếp tục leo dốc do căng thẳng tại Trung Đông và nhu cầu cao

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá năng lượng duy trì đà tăng mạnh trong ngày 21/3 do tình hình địa chính trị căng thẳng tại Trung Đông và nhu cầu toàn cầu tăng cao bất chấp sản lượng của Mỹ tiếp tục gia tăng.

Cụ thể, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ ở mức 63,69 USD/thùng, tăng 15 xu Mỹ, hay 0,2% so với đóng cửa phiên trước. Dầu thô Brent Biển Bắc tăng 14 xu Mỹ, tương đương 0,2% lên mức 67,56 USD/thùng.
Giá dầu tiếp tục tăng trong ngày 21/3.
Căng thẳng chính trị tại khu vực Trung Đông tiếp tục leo thang sau khi Ả Rập Saudi gọi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và các cường quốc là một “thỏa thuận hỏng” ngay trước thềm cuộc gặp giữa Thái tử Mohammed bin Salman với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Bên cạnh đó, Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman đã bắt đầu chuyến thăm chính thức đến Mỹ, gia tăng những suy đoán Mỹ có thể tái áp đặt các lệnh trừng phạt với Iran.
Theo chiến lược gia trưởng thị trường Greg McKenna của công ty môi giới kỳ hạn AxiTrader, chuyến công du Mỹ của Thái tử Mohammed bin Salman làm dấy lên những dự đoán cho rằng Mỹ có thể áp dụng lại các biện pháp trừng phạt đối với Iran - được cho là nhân tố chính tác động tới giá dầu. 
Trong khi đó, các nhà phân tích thị trường nhận định việc Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ định ông Mike Pompeo làm tân Ngoại trưởng là một rủi ro đối với các thị trường dầu mỏ do ông Pompeo đã phản đối mạnh mẽ thỏa thuận hạt nhân Iran khi còn là thành viên của Quốc hội Mỹ.
Còn theo ngân hàng Citi, việc chỉ định ông Mike Pompeo giữ chức Ngoại trưởng Mỹ đã làm dấy lên khả năng gián đoạn hoạt động giao dịch trên thị trường dầu toàn cầu.
Công ty tư vấn năng lượng FGE cho biết, nếu Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran thì sẽ khiến xuất khẩu dầu mỏ của nước này giảm 250.000 - 500.000 thùng/ngày vào cuối năm 2018.
Bên cạnh đó, theo các nhà phân tích, việc kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ và đồng USD yếu cũng tác động tích cực đến thị trường năng lượng thế giới.
Theo Viện Dầu mỏ Mỹ, một tín hiệu cho thấy nhu cầu dầu tăng cao là lượng dầu thô dự trữ của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 16/3 đã giảm 2,7 triệu thùng xuống còn 425,3 triệu thùng. 
Norbert Ruecker - Giám đốc nghiên cứu vĩ mô và hàng hóa tại ngân hàng Julius Baer (Thụy Sĩ) phân tích: “Kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng khả quan và nhu cầu nhiên liệu mạnh đang hỗ trợ cho thị trường dầu mỏ. Ngoài ra, đồng USD suy yếu và tâm lý thị trường lạc quan cũng là yếu tố quan trọng góp phần đẩy giá năng lượng đi lên".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần