Giá dầu trượt dốc mạnh, Nga và OPEC sẽ cắt giảm sản lượng?

Nguyễn Thu (Theo Bloomberg, WSJ)
Chia sẻ Zalo

Kinhtetdothi - Tại cuộc họp sắp tới tại Abu Dhabi, Ả Rập Saudi, Nga và các nhà sản xuất dầu sẽ thảo luận cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng dầu/ngày trong năm tới.

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), đang trải qua một trong những năm điều hành chính sách khó khăn nhất trong lịch sử. Sau khi cùng với các nước đồng minh điều chỉnh thỏa thuận cắt giảm, thống nhất tăng sản lượng hồi tháng 6/2018, hiện tại tổ chức này cân nhắc giảm sản lượng trở lại.
Các bộ trưởng dầu mỏ và năng lượng từ 6 quốc gia thuộc Ủy ban giám sát hỗn hợp cấp bộ trưởng (JMMC) thuộc liên minh 25 nước OPEC và các đồng minh ngoài OPEC sẽ nhóm họp tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), trong ngày 11/11 để thảo luận khả năng cắt giảm sản lượng bắt đầu từ năm 2019.
 Do giá dầu giảm sâu trong thời gian qua, OPEC đang cân nhắc giảm sản lượng trở lại.
Động thái này có thể đánh dấu sự kết thúc đột ngột quyết định tăng nguồn cung được các thành viên trong và ngoài OPEC đưa ra hồi tháng 6 vì lo ngại sản lượng dầu thiếu hụt.
OPEC đang tìm giải pháp ứng phó với một viễn cảnh đáng lo ngại, đó là dù các lệnh trừng phạt Iran của Mỹ đang thu hẹp đáng kể nguồn cung dầu của Tehran, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tiếp tục tăng, đe dọa tạo ra nguồn cung dư thừa mới trong năm 2019.
Một số nước thành viên OPEC lo ngại các kho dự trữ dầu trên thế giới sẽ tăng lên trong thời gian tới. Giá “vàng đen” trên thị trường thế giới đang phản ánh mối lo ngại này. Giá dầu Brent trên thị trường London đã giảm khoảng 19% kể từ khi chạm mức cao nhất trong 4 năm hồi đầu tháng 10.
Kể từ cuối tháng 9, khi các bộ trưởng dầu mỏ OPEC gặp nhau ở Algiers, giá dầu Brent đã lao dốc hơn 10 USD/thùng. Cũng trong khoảng thời gian này, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng sụt 21% xuống còn 60 USD/thùng - mức thấp nhất trong 8 tháng.
Trong ngày 9/11, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI có phiên giảm thứ 10 liên tiếp, lún sâu hơn vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market) và xóa sạch thành quả tăng từ đầu năm. Dữ liệu từ Refinitiv cho biết đây là chuỗi phiên giảm giá dài nhất của giá dầu thô tại Mỹ kể từ giữa năm 1984.
Trước đó, trong tháng 10, dầu thô bị bán tháo theo các tài sản rủi ro khác trong đợt biến động của thị trường tài chính toàn cầu.
Theo các quan chức OPEC, tại cuộc họp chính sách ở Abu Dhabi, OPEC và các nước đồng minh xem xét kỹ các yếu tố tác động đến thị trường dầu mỏ và hy vọng đạt được một sự đồng thuận về chính sách sản lượng cho năm 2019.
Lãnh đạo OPEC cho biết, nếu tổ chức này giữ nguyên thỏa thuận về sản lượng hiện tại, nguồn cung dầu sẽ dư thừa khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày trong nửa đầu năm 2019.
Trong tháng 9, OPEC đã bơm 32,76 triệu thùng/ngày, trung bình khoảng 1,13 triệu thùng/ngày, cao hơn nhu cầu của thị trường toàn cầu trong 6 tháng đầu 2019, theo báo cáo mới nhất của OPEC.
Trong khi đó, dữ liệu sơ bộ cho thấy các kho dự trữ dầu thương mại của Mỹ trong tháng 9 tiếp tục ghi nhận tháng tăng thứ 3 liên tiếp và sản lượng dầu của Mỹ dự kiến sẽ tăng lên mức 1,38 triệu thùng/ngày trong năm 2019.
Bob McNally - Chủ tịch công ty tư vấn năng lượng Rapidan Energy Advisors ở Washington cho biết OPEC đã chuẩn bị tăng mạnh sản lượng nhưng giờ đây buộc phải kìm hãm nỗ lực này đột ngột và cân nhắc cắt giảm sản lượng trở lại. “Thông điệp của OPEC dường như là phải thắt chặt sản lượng về mức an toàn”, chuyên gia McNally nói.
Tuy nhiên, OPEC và các nước sản xuất dầu chủ chốt phải tính toán kỹ nhiều vấn đề trước khi đưa ra quyết định quan trọng về sản lượng dầu. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào ngành sản xuất dầu mỏ của Iran có thể khiến sản lượng dầu của Tehran giảm mạnh đến mức các nước sản xuất dầu khác không cần phải cắt giảm sản lượng.
Bên cạnh đó, OPEC sẽ phải xem xét các yếu tố chính trị. Ả Rập Saudi có thể gặp khó khăn khi thuyết phục các thành viên còn lại trong OPEC quay trở lại tiến trình cắt giảm sản lượng. Một số thành viên như Iraq, đang thúc đẩy các dự án khai thác mới. Một số thành viên khác lo ngại Ả Rập Saudi can thiệp quá sâu vào chính sách sản lượng của họ.
Nga, đồng minh quan trọng nhất của OPEC, đã tăng sản lượng lên mức kỷ lục của thời kỳ hậu Liên Xô và Tổng thống Vladimir Putin nói rằng Nga cảm thấy ổn nếu giá dầu Brent giao động trong khoảng giá 65-75 USD/thùng.
Trong ngày 9/11, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI có phiên giảm thứ 10 liên tiếp.

Một nguồn tin cho biết Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Saudi Al-Falih đã thảo luận qua điện thoại về chương trình nghị sự của cuộc họp ở Abu Dhabi với người đồng cấp Nga Alexander Novak. Theo nguồn tin này, trong khi OPEC cân nhắc cắt giảm sản lượng trở lại, Nga không sẵn sàng ủng hộ quyết định này.
Matthew Sagers, phụ trách tư vấn năng lượng của Nga tại IHS Markit, cho biết, phía Moscow sẽ không muốn cắt giảm sản lượng dầu thêm nữa. "Hiện tại, các công ty năng lượng của Nga đã có kế hoạch tăng khai thác trong nhiều tháng qua mà không cần xét đến tác động cụ thể từ gói trừng phạt của Mỹ đối với sản xuất dầu của Iran”, ông Sagers cho hay.
Theo Chris Weafer - chuyên gia cao cấp của Tư vấn Macro tại Moscow, áp lực đối với Nga hiện không nhiều so với thời điểm đưa ra quyết định cùng OPEC thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng hồi cuối năm 2016, bởi Moscow không còn cần giá dầu cao nữa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần