Trong phiên giao dịch ngày 25/1, giá “vàng đen” leo dốc 1% khi giới đầu tư lạc quan vào gói kích thích kinh tế mới của chính phủ Mỹ và tín hiệu cho thấy, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh đã nghiêm túc hơn trong việc tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Chính quyền tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nỗ lực giải quyết những lo ngại của đảng Cộng hòa rằng đề xuất về gói cứu trợ mới trị giá 1,9 ngàn tỷ USD là quá lớn.
Theo chuyên gia hàng hóa Bjornar Tonhaugen, thuộc Rystad Energy, việc Tổng thống Biden nỗ lực đẩy nhanh quá trình thông qua gói cứu trợ trên để hỗ trợ đà phục hồi của kinh tế Mỹ được đánh giá là nhân tố có lợi cho triển vọng gia tăng nhu cầu đối với dầu mỏ.
Thị trường năng lượng tiếp tục biến động bất nhất trong hai phiên giao dịch tiếp theo trong bối cảnh nhà đầu tư vẫn quan ngại rằng diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 tiếp tục hạn chế nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ trên toàn cầu.
Các nhà phân tích cho rằng, giá dầu có thể được hưởng lợi do sản lượng dầu của Mỹ giảm vì các quy định ngành chặt chẽ hơn của chính quyền tân Tổng thống Joe Biden. Chính phủ Mỹ hôm 27/1 đã tạm dừng các hợp đồng thuê khai thác dầu khí trên đất liên bang và cắt giảm trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, khi Tổng thống Biden nỗ lực theo đuổi các chính sách xanh.
Giá dầu giảm nhẹ trong ngày 28/1 do thị trường gia tăng lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung vaccine ngừa Covid-19 cùng các quy định hạn chế đi lại mới gây sức ép lên triển vọng phục hồi nhu cầu.
Thị trường “vàng đen” diễn biến trái chiều trong phiên 29/1 khi những lo ngại về các biến thể virus SARS-CoV-2 và sự chậm trễ trong triển khai tiêm phòng vaccine đã lấn át tâm lý lạc quan từ động thái tự nguyện cắt giảm nguồn cung dầu của Ả Rập Saudi.
Chốt phiên giao dịch ngày 29/1, giá dầu Brent tăng 25 xu Mỹ, tương đương 0,4%, lên mức 55,35 USD/thùng. Giá mặt hàng dầu này đã tăng tuần thứ 4 trong 5 tuần. Trong khi, giá dầu ngọt nhẹ WTI hạ 0,27% xuống 52,20 USD/thùng. Giá dầu WTI chứng kiến tuần sụt giảm thứ 2 liên tiếp.
“Số lượng vaccine ngừa Covid-19 vẫn thiếu hụt”, Bob Yawger, Giám đốc các hợp đồng năng lượng tương lai tại Mizuho ở New York, nhận định. Ngoài ra, chuyên gia Yawger cho rằng gói kích thích kinh tế của Mỹ khó có thể được phê duyệt nhanh chóng để hỗ trợ thị trường dầu mỏ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 29/1 đã kêu gọi Quốc hội Mỹ hành động nhanh chóng đối với đề xuất gói cứu trợ Covid-19 gần 2.000 tỷ USD. “Không có thời gian cho bất kỳ sự chậm trễ nào”, Tổng thống Biden nói.
Theo kết quả cuộc thăm dò từ Reuters, giá dầu dự kiến sẽ dao động quanh mức hiện tại trong hầu hết thời gian của năm 2021 trước khi phục hồi mạnh vào cuối năm.
Giá dầu thế giới đã tăng khoảng 50% kể từ tháng 10/2020 sau khi các nước triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, nhưng sự xuất hiện của các biến thể mới của virus corona đã làm dấy lên lo ngại về triển vọng kinh tế.
Chuyên gia phân tích hàng hóa Carsten Fritsch của ngân hàng Commerzbank nhận xét: “Nguồn cung toàn cầu được siết chặt trong khi nhu cầu không phục hồi đáng kể do các lệnh phong tỏa mới sẽ khiến giá dầu có thể tăng hoặc giảm không nhiều”.
Ả Rập Saudi dự kiến cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày trong tháng 2 và tháng 3/2021. Trong khi đó, mức độ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC cùng với các đồng minh, được gọi chung là nhóm OPEC+, đã cải thiện trong tháng 1/2021.
Theo khảo sát mới nhất của Reuters, sản lượng dầu của các nước OPEC đã tăng trong tháng 1/2021, sau khi nhóm OPEC+ đồng ý nới lỏng thỏa thuận cắt giảm nguồn cung. Tuy nhiên, mức tăng thấp hơn so với mức thỏa thuận, một phần do xuất khẩu dầu của Nigeria giảm.